Các tỉnh Tây Nam bộ cần có liên kết chặt chẽ trong việc nhận diện nguồn lực phát triển và khả năng liên kết vùng để kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch để du khách nội địa và quốc tế. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Hội thảo khoa học về định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 17/11, tại TP. Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Anh Dũng cho biết, điểm nổi bật của tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL là tài nguyên nước rất dồi dào, diện tích mặt nước chiếm 22,3% tổng diện tích tự nhiên, toàn vùng có 162 km bờ biển cùng với hệ thống cồn, cù lao phong phú. Ngoài ra, đây cũng là vùng có tiềm nguyên về du lịch văn hóa với những lễ hội và hệ thống di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer… Đó là thế mạnh để các địa phương khai thác những loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch biển, trải nghiệm làng nghề.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, với tiềm năng lớn nhưng lượng du khách và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch trong vùng hiện chưa tương xứng so với tiềm năng. Sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh chưa xây dựng được hình ảnh chung và chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Đơn cử, năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến với vùng ĐBSCL là hơn 34,5 triệu lượt người nhưng tiểu vùng duyên hải phía Đông đón 4,93 triệu lượt khách. Doanh thu chiếm 23,3 % trong tổng số doanh thu hơn 11.310 tỉ đồng của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, đã đến lúc các tỉnh Tây Nam bộ cần có liên kết chặt chẽ trong việc nhận diện nguồn lực phát triển và khả năng liên kết vùng để kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch để du khách nội địa và quốc tế. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Tại hội thảo khoa học, các chuyên gia, học giả đã chỉ ra những nguyên nhân, thực trạng của việc khách du lịch đến với tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL còn thấp và đã góp ý giải pháp liên kết, nâng cao vị thế và phát huy giá trị tài nguyên du lịch cho các địa phương trong vùng. Trong đó, chỉ ra điểm hạn chế và rào cản lớn nhất cho sự phát triển du lịch của tiểu vùng là thiếu sự liên kết chặt chẽ, thiếu nhân lực chuyên nghiệp làm du lịch, thiếu nhiều những sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu những chính sách thu hút đầu tư cho du lịch…
Đua ghe Ngo mừng lễ hội Ok Om Bok là hoạt động thu hút đông đảo khách du lịch ở Trà Vinh
Góp ý cho phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, PGS.TS Phan An cho rằng, dọc ven biển của các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang có rất nhiều các đình chùa, tín ngưỡng thờ, các hoạt động lễ hội của người Việt, Khmer, Chăm, Hoa… có thể đưa vào việc quảng bá, phát triển thành các loại hình, sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để thu hút du khách.
Cùng quan điểm nêu trên, Thạc sĩ Dương Đức Minh, Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, các tỉnh thuộc tiểu vùng phía Đông ĐBSCL cần có chương trình, kế hoạch khai thác tốt về du lịch tâm linh. Đây là ưu thế mà nhiều nơi khác trong nước không có.
Theo PGS.TS Bùi Văn Trịnh, Trường Đại học Cần Thơ, các tỉnh trong tiểu vùng cần xác định rõ sản phẩm đặc thù và liên kết quảng bá chéo cùng nhau, không nên quảng bá đơn thuần điểm đến từng địa phương. Vì thế, các địa phương cần cùng nhau thiết kế chung một kế hoạch quảng bá về chuỗi sản phẩm để thu hút, hấp dẫn khách du lịch…
* Trước đó, tối ngày 16/11, tỉnh Trà Vinh đã khai mạc Tuần lễ văn hóa, du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok năm 2018 với nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đậm chất truyền thống của đồng bào Khmer.
Chuỗi hoạt động văn hóa do Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tổ chức diễn ra đến ngày 22/11 tại nhiều địa điểm, di tích văn hóa, du lịch của tỉnh Trà Vinh, gồm nhiều hoạt động, như Đêm lễ hội Ok Om Bok; liên hoan ẩm thực Nam Bộ; Hội chợ triển lãm thương mại – du lịch – nông nghiệp; Đua ghe Ngo…/.
Tin, ảnh: Phạm Cường