Khách du lịch đến Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2019 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng gần 18%.
Khu vực xin chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ước tính 5 ngày từ ngày 2/2 đến 6/2 dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 272.788 lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 81.628 lượt khách, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế lưu trú ước đạt 57.303 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 191.160 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Các khách sạn 4 - 5 sao tổ chức các chương trình đặc biệt trong dịp Tết gắn với hoạt động văn hóa truyền thống như hướng dẫn khách gói bánh chưng, cắm hoa, vẽ tranh Tết, ẩm thực phố cổ Hà Nội…
Giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú từ 2/2 (tức ngày 28 Tết) đến ngày 9/2/2019 (tức mùng 5 Tết) không có nhiều biến động. Công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn 3 - 5 sao đạt khoảng 60%. Khách lưu trú trong nước chủ yếu là Việt Kiều; khách quốc tế lưu trú đứng đầu là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đông Nam Á...
Sở Du lịch Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra tại một số điểm đến du lịch tập trung đông người trên địa bàn gồm: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn, khu vực Nhà hát Lớn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Chùa Trấn Quốc và xung quanh Hồ Tây... Tại thời điểm kiểm tra, về cơ bản các hàng quán dịch vụ được sắp xếp ngăn nắp, niêm yết giá đầy đủ; việc trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp được bố trí tại khu vực riêng; không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn có điểm đến du lịch mất vệ sinh môi trường, nhất là sau thời điểm giao thừa.