Hội thảo “Di tích lịch sử Đền Hùng và không gian văn hoá Hùng Vương”
Cập nhật: 26/11/2009
Hội thảo với chủ đề “Di tích lịch sử Đền Hùng và không gian văn hoá Hùng Vương” do Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức, đã diễn ra vào ngày 25/11/2009 tại tỉnh Phú Thọ.

Tham dự hội thảo có Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải cùng các giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học hàng đầu của Việt Nam và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và nêu bật giá trị văn hoá của Di tích lịch sử Đền Hùng và không gian văn hoá Hùng Vương, tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề chính như: Thời đại Hùng Vương - trung tâm nước Văn Lang thời cổ đại; tín ngưỡng Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng trong tiến trình phát triển của dân tộc; không gian văn hoá Hùng Vương trong đời sống tín ngưỡng…, từ đây đưa ra những biện pháp, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Hội thảo cũng phân tích, làm rõ vấn đề “ Tín ngưỡng – nghi lễ và Lễ hội Hùng Vương”, xem xét khả năng đáp ứng các tiêu chí đề ra đối với việc công nhận di sản văn hoá phi vật thể thế giới và cũng từ đây đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng xem xét trình Thủ tướng cho lập hồ sơ trình UNESCO.

Tính từ khi Công ước Di sản thế giới của UNESCO được thông qua (cách đây hơn 30 năm), ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới nhận thức rõ rằng, di sản vật thể và di sản văn hoá phi vật thể là nhân tố sống còn trong việc thúc đẩy tính sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của quốc gia. Việc UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo này cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu di tích gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng.

Theo sử sách ghi lại, đền Hạ được xây vào thế kỷ 15 - thờ mẹ Âu Cơ. Tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

Ðền Trung là nơi mà trước đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc nước với các Lạc Hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh dầy lên cho vua cha nhân dịp lễ tết.

Ðền Thượng là nơi mà các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.

Lăng vua Hùng, tương truyền là mộ của vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá thân ở đây.

Ðền Giếng là nơi thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung - hai con gái yêu của vua Hùng thứ 18. Phía trong đền có một cái giếng, tương truyền, trước kia cái giếng này bốn mùa đầy nước, trong vắt, hai nàng Ngọc Hoa và Tiên Dung thường hay soi dung nhan và chải tóc ở đây.


                                                                                     Thanh Hải biên tập
Trung tâm Thông tin du lịch