Về miền Tây thưởng thức bánh dân gian
Cập nhật: 10/04/2025
Miền Tây sông nước được biết đến với văn hóa ẩm thực phong phú, trong đó phải kể tới nhiều loại bánh dân gian đặc sắc, mà chỉ riêng những tên bánh thôi đã đủ để người ta muốn tìm đến miền Tây vào những ngày tháng 4 này...

Các loại bánh dân gian của miền Tây.

Đặt chân tới Cần Thơ vào dịp này, du khách như được hòa mình vào không gian đậm chất miền Tây với Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, hàng trăm gian hàng bánh muôn hình muôn vẻ, tên gọi độc đáo, màu sắc bắt mắt, hương thơm đầy mời gọi, thưởng thức để cảm nhận được dư vị miền sông nước đậm đà, khó lẫn.

Như bánh tằm bì được người dân Bạc Liêu cho là chế biến đơn giản nhưng ngon đến lạ lùng với sợi bánh tằm bì màu trắng đục, giòn mềm, thịt heo xào, nước cốt dừa béo nhưng không ngấy cùng nước mắm tỏi ớt. Để món ăn thêm hấp dẫn, có thể thêm vào tô bánh tằm bì một cây nem nướng, chả giò, một ít đậu phộng, rau thơm là đủ để nhớ mãi.

Một món ăn nghe lạ tai ở Cần Thơ có tên bánh cống cũng độc đáo không kém. Để chế biến, người ta đem bột gạo trộn với đậu xanh hạt, tôm thịt băm, thêm nước, hành lá xắt nhỏ và gia vị. Có người còn cho vào bột vài quả trứng gà để thêm phần thơm ngon. Bánh chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm xốp, ăn cùng với các loại rau sống và chấm nước mắm chua cay giống như bánh xèo.

Ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) lại có món bánh bò thốt nốt. Những chiếc bánh thốt nốt được làm kỳ công hấp dẫn thực khách với vị xốp của bánh, ngọt béo của dừa, hòa cùng vị đặc trưng của đường thốt nốt. Cùng với đó, bánh pía Sóc Trăng cũng rất đặc trưng với vị thơm của vỏ, vị dẻo bùi của khoai môn hòa với mùi sầu riêng thơm phức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng. Mùi hương sầu riêng của bánh pía Sóc Trăng tạo nên nét dân dã riêng có.

Rồi đặc sản nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, Bến Tre là món bánh tráng Mỹ Lồng nức tiếng. Người ta dùng một loại gạo sỏi, một giống lúa gạo đặc biệt ở Trà Vinh. Phần nhân trên của bánh được đổ với mè, gừng, sữa, lòng đỏ trứng gà, lạp xưởng, tôm khô. Món ngon này hấp dẫn thực khách bởi miếng bánh giòn tan, thơm mùi của nước cốt dừa hòa với vị tôm, lạp xưởng.

Ghé Cà Mau thưởng thức bánh khọt cũng là trải nghiệm đáng nhớ, bánh được làm từ bột gạo pha chung và khuấy đều với các nguyên liệu bao gồm: tôm đồng, thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, nước cốt dừa, bột nghệ, nấm hương, hành lá xắt nhuyễn cho vào bột để làm bánh chín thơm ngon. Đổ bột vào khuôn, rồi lần lượt rưới nước cốt dừa đều khắp bề mặt bánh, cho thịt, tôm và hành lá lên mỗi chiếc bánh, đợi bánh vàng đều, dùng muỗng múc từng cái xếp ra đĩa, ăn cùng với rau thơm và một chén nước chấm chua ngọt.

Ghé Bến Tre cũng đừng quên đến Sơn Đốc để thưởng thức những chiếc bánh phồng đặc sản gắn liền với địa danh và tận mắt chứng kiến cách làm bánh. Bánh phồng thơm ngon, tinh túy bởi nước cốt dừa. Miếng bánh xôm xốp hòa với vị béo ngậy của dừa như gói trọn tình cảm của người dân Đồng Khởi. Dù bây giờ bánh phồng có thêm nhiều loại khác nhau như bánh hành, bánh mặn, nhưng loại bánh phồng dừa ngọt vẫn được ưa thích.

Bạn đã từng ăn món bánh ống lá dứa chưa? Bánh có nguồn gốc từ người Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Bánh làm từ khoai mì trộn bột gạo nếp, dừa sợi, thêm ít lá dứa để tạo màu xanh cũng như mùi thơm. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy. Bánh chín rắc “topping” dừa nạo, muối vừng, cuộn tròn trong bánh tráng gạo, đơn giản nhưng hương vị rất lôi cuốn.

Du lịch miền Tây không chỉ để tận hưởng vẻ đẹp quyến rũ của vùng sông nước, khám phá những giá trị lịch sử, mà qua văn hóa ẩm thực, du khách càng hiểu hơn về đặc trưng đa dạng hòa quyện giữa những nguyên liệu dân dã, mộc mạc đậm chất miền Tây.

Hà Thành

Báo Đại đoàn kết - daidoanket.vn - Đăng ngày 10/04/2025