Phát triển du lịch làng nghề là một giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đang từng bước đưa làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu trở thành mô hình điểm trong giai đoạn thí điểm 2024 - 2025, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030.

Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu hiện có 75 hộ làm nghề với hơn 550 lao động trực tiếp. Được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2010, sản phẩm của làng nghề đa dạng và tinh xảo, từ đồ thờ cúng, bàn ghế, tủ khảm trai đến những món quà lưu niệm nhỏ như bình trà, tượng gỗ, khay rượu…
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, thị xã đã chọn hai cơ sở đáp ứng tiêu chí về giao thông, có lao động thường xuyên để đón tiếp và hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm quy trình làm sản phẩm.
Xác định rõ mục tiêu lâu dài, TX An Nhơn đã đầu tư xây dựng khu trưng bày sản phẩm, du khách sẽ có cái nhìn tổng quan về các sản phẩm truyền thống trước khi trực tiếp tham quan các cơ sở sản xuất. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đang cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Việc kết hợp hài hòa giữa du lịch và làng nghề không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Với sự đồng hành của chính quyền và tinh thần đổi mới từ các nghệ nhân, làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu đang từng bước chuyển mình, hứa hẹn trở thành điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách trong thời gian tới.
Phan Tuấn (thực hiện)