An Giang: Phát huy giá trị di sản văn hóa
Cập nhật: 23/07/2025
Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo nên sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.

Tổ chức UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành văn hóa tỉnh đã triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, nghị định, thông tư có liên quan về lĩnh vực di sản văn hóa. Đồng thời, chủ trì phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả, chặt chẽ công tác quản lý di sản văn hóa.

Đến nay, tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam); 10 bảo vật quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 150 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh được xếp hạng (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 50 di tích cấp quốc gia và 97 di tích cấp tỉnh). Công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu, tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực.

Năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát hiện trạng 9 di tích trên địa bàn tỉnh về việc trùng tu di tích; hoàn thành lắp đặt bảng mã QR giới thiệu di tích tại 20 di tích xếp hạng cấp tỉnh thuộc các địa phương gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn. Triển khai công tác lập bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ 15 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, củng cố 4 hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh (Di tích Bửu Hương Các, đình thần Vĩnh Phước; đình thần Tân Hiệp; Hố chôn tập thể di tích quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc).

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là phần thưởng vô giá của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, qua đó nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, hướng đến những biện pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị: “Tỉnh An Giang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá lễ hội; tổ chức truyền dạy tri thức, kỹ năng thực hành di sản trong cộng đồng…”.

Sở Văn hóa và Thể thao đang khẩn trương phối hợp Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới. Khảo sát thực tế và làm việc với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trung Hồ đề nghị, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo và các sở, ngành liên quan hệ thống hóa tư liệu, đảm bảo giá trị lâu dài của di sản; triển khai các biện pháp bảo vệ hiện vật và phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu, tham quan.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, giao lưu các hoạt động liên quan lĩnh vực di sản văn hóa. Đồng thời, quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường và động lực phát huy giá trị của các di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Báo An Giang - baoangiang.com.vn - Đăng ngày 23/7/2025