Thừa Thiên-Huế sẽ là thành phố đặc sắc về văn hóa trực thuộc Trung Ương
Cập nhật: 27/09/2010
Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị có Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với định hướng "Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao".

Theo ông Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau hơn một năm tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được một số kết quả. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng các chương trình đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở pháp lý triển khai tổ chức thực hiện.

Tỉnh đã công bố quy hoạch và lồng ghép các nhiệm vụ trọng tâm vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015 để tổ chức triển khai. Đáng chú ý có các đề án lớn như phát triển kinh tế tổng hợp vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020.

Tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch đô thị nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học "Thừa Thiên-Huế với vai trò thành phố trực thuộc Trung ương-cơ hội và thách thức" với sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia quốc tế, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam... làm cơ sở quan trọng để xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang nét đặc trưng của Cố đô Huế - thành phố di sản, thành phố thiên nhiên, thành phố môi trường; trong đó, thành phố Huế hiện nay là đô thị trung tâm, hạt nhân của một hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, cùng với thành phố Chân Mây-Lăng Cô, các thị xã là Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An và các thị trấn vệ tinh khác là Bình Điền, Phú Đa...

Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng thông qua Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2015. Trong tương lai đây sẽ là một thành phố phát triển bền vững, gắn giữa tăng trưởng kinh tế hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển theo hướng thành phố xanh, thành phố công viên...

Đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế trở thành một trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực. Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 12-13%; GDP bình quân đầu người/năm đạt 4.000 USD/người. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa…

Cũng theo ông Cao, nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương trong thời gian sắp tới để xây dựng Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015 đó là: Vì thành phố Thừa Thiên-Huế trong tương lai mang nét đặc trưng của Cố đô Huế - thành phố di sản, thành phố thiên nhiên, thành phố văn hóa và du lịch, thành phố thân thiện với môi trường. Cho nên, vấn đề quan trọng hiện nay là tỉnh phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; không ngừng cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh.

Trước mắt, tỉnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị Huế và các đô thị vệ tinh, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng; tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế, các vùng kinh tế của Thừa Thiên-Huế. Trong đó, trọng tâm là nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài, mở rộng cảng nước sâu Chân Mây; phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong các dự án xây dựng đường bộ, nhất là tuyến đường cao tốc Huế-Đà Nẵng, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn La Sơn-Hải Vân và hai hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49A, 49B.

Hoàn thành chỉnh trang một số công viên, đường trục chính ở thành phố Huế phục vụ du lịch. Đồng thời, tỉnh đã triển khai công tác lập quy hoạch chung về xây dựng; triển khai xây dựng Trạm liên kiểm cửa khẩu A Đớt-Tà Vàng và dự án đường nối từ cửa khẩu A Đớt đến đường Hồ Chí Minh...
VietnamPlus