Thanh Hoá: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 22/10/2010
Để đưa du lịch Thanh Hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong 5 chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hành động, giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Từ du lịch biển, du lịch sinh thái đến tham quan danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội...; không chỉ phục vụ ăn nghỉ, mà còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, do chú trọng “xã hội hóa” nên nhiều khu, điểm và trung tâm du lịch được xây dựng mới hoặc chỉnh trang hấp dẫn hơn trước. Cơ sở vật chất kỹ thuật không ngừng được tăng cường, nhất là các khách sạn, nhà hàng có nhiều đổi mới, đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu của du khách. Khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Thanh Hóa năm sau cao hơn năm trước...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá Doãn Văn Phú, cho biết: Nhờ xác định và có sự đầu tư đúng hướng, biết khai thác lợi thế để tập trung cho phát triển dịch vụ mà du lịch là mũi nhọn, các chỉ tiêu đề ra trong “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2006 - 2010” đã đạt và vượt một cách ấn tượng. Trong 5 năm (2006 – 2010), toàn tỉnh ước đón được 10,445 triệu lượt khách, tăng bình quân trên 22%/năm, gấp 2,74 lần so với giai đoạn 2001-2005; phục vụ 19,756 triệu ngày khách; doanh thu du lịch đạt khoảng 3.683 tỷ đồng, tăng bình quân trên 35%/năm, gấp 4,29 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Đến nay, hầu hết các khu vực có tài nguyên du lịch giá trị đều đã được quy hoạch, là cơ sở để kêu gọi và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch như: bãi biển Sầm Sơn, Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc)... đã được lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở du lịch... Trên cơ sở quy hoạch, cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm đã được quan tâm đầu tư. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã triển khai được 5 dự án tại các địa bàn trọng điểm du lịch với tổng kinh phí khoảng 167 tỷ đồng, đạt 76% so với kế hoạch chương trình đề ra (trong đó ngân sách Trung ương thông qua chương trình hành động quốc gia về du lịch là 122 tỷ đồng, chiếm 73%); chủ yếu tập trung vào Khu Du lịch Sầm Sơn. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được cải thiện, làm thay đổi diện mạo của các khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận và sử dụng được sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả việc khai thác tài nguyên du lịch. Điển hình là Khu Du lịch Sầm Sơn và suối cá Cẩm Lương...

Các dự án đầu tư vào khu du lịch nói chung và đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng đã tăng trưởng đáng kể, hiện có 115 cơ sở lưu trú du lịch với trên 3.400 phòng được đầu tư đưa vào sử dụng, nâng tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh là 470 cơ sở với 10.150 phòng; 17 dự án du lịch tổng hợp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng khái toán vốn là 2.555 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, vận chuyển du lịch, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm... đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ du khách.

Thông qua thực hiện chương trình, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã có bước chuyển biến tiến bộ. Nếu như năm 2005 mới chỉ có trên 1.650 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch (chiếm 38,2% số lao động) thì đến hết năm 2009 đã có khoảng 4.000 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn du lịch (chiếm 60% lao động toàn ngành).

Các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của du lịch xứ Thanh dần đang hình thành và tạo điều kiện tương đối cơ bản cho việc phát triển điểm đến của du lịch. Đến thời điểm này, ngành đã triển khai được 7/11 dự án với tổng kinh phí khoảng 552 tỷ đồng, đạt 18% so với chương trình đề ra.

Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước phát huy các giá trị văn hóa và hướng đến mục đích khai thác phục vụ du lịch. Một số di tích đã có sức thu hút du khách trong và ngoài nước như: Di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu, Thái miếu Nhà Lê... Đặc biệt, việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới cho Thành nhà Hồ và hang Con Moong đã góp phần quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với hình thức, nội dung, quy mô, chất lượng đã có sự điều chỉnh mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hình ảnh và tăng tính hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa, góp phần phát triển loại hình du lịch sự kiện, du lịch lễ hội.

Dẫu kết quả trong công tác làm du lịch của Thanh Hóa còn khiêm tốn, song những thành tựu ấy đang là hành trang để ngành tiến bước vào chặng đường tiếp theo, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu: Tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, nhằm hình thành cơ bản ba “điểm đến”; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua ưu tiên đầu tư phát triển loại hình du lịch tắm biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái; xây dựng vững chắc “hình ảnh” du lịch Thanh Hóa trong nước và trong khu vực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế: đón 19,264 triệu lượt khách, phục vụ 36,268 triệu ngày khách, doanh thu đạt 10.931 tỷ đồng.

Với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên trọng điểm thúc đẩy mạnh mẽ và mang tầm chiến lược đến năm 2020, hy vọng rằng du lịch xứ Thanh sẽ có được những khởi sắc mới, xứng đáng một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chủ lực đạt mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh trong thời kỳ 2010 - 2015.
Báo Thanh Hóa