Hướng phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2011 – 2015
Cập nhật: 19/11/2010
Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh Đông Bắc của Việt Nam với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía Bắc và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị 110km về phía Nam, Bắc Giang có điều kiện thuận lợi để đón các dòng khách du lịch từ phía Bắc xuống Nam và ngược lại, khách du lịch nghỉ dưỡng của Hà Nội và các địa phương lân cận.

Hồ Cấm Sơn

Là một tỉnh có nhiều địa danh lịch sử, di sản văn hóa, có điều kiện về tự nhiên, kinh tế và xã hội khá thuận lợi để phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được đặc biệt quan tâm, Bắc Giang đang phấn đấu để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có.

 

Để đưa du lịch trở thành một trong 5 chương trình kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, Tổng cục Du lịch đã có góp ý và đề nghị ngành du lịch Bắc Giang cần quan tâm triển khai một số nội dung chính sau:

 

+ Thuê chuyên gia, đơn vị có chức năng và uy tín xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch trọng điểm trên cơ sở Quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chú trọng khai thác các sản phẩm có ưu thế, nổi bật và đặc thù của tỉnh về văn hóa, lịch sử, tự nhiên.

 

Khu du lịch Suối Mỡ

+ Trên cơ sở đánh giá đúng tài nguyên du lịch, cần đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm độc đáo, nổi bật có thể cạnh tranh của Bắc Giang. Hiện nay, du lịch Bắc Giang đang trong giai đoạn khởi đầu, hầu như khách du lịch chưa biết đến các địa danh du lịch tại địa phương. Trong giai đoạn tới, một số tài nguyên, tiềm năng có thể đưa vào đầu tư, khai thác phát triển du lịch như du lịch sinh thái tại hồ Cấm Sơn, suối Mỡ; nghe Quan họ; thưởng thức vải Thiều tại xứ vải Lục Ngạn; xây dựng các trạm dừng chân chất lượng cao,…

 

+ Tổ chức nghiên cứu thị trường và quảng bá xúc tiến. Ngành du lịch tỉnh cần chủ động đề xuất cơ chế hỗ trợ tư vấn, xây dựng kế hoạch tổng thể tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch Bắc Giang rộng rãi tại các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước. Chú trọng thị trường khách nghỉ dưỡng cuối tuần tại Hà Nội, khách du lịch văn hóa tâm linh và khách Trung Quốc làm khâu đột phá.

 

Lễ hội Yên Thế

+ Chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn tới. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang cần chủ động tổ chức đào tạo cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Sở; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn. Đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh du lịch, cần định hướng tiêu chuẩn chuyên môn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Ngành về trình độ lao động trong lĩnh vực lữ hành và lưu trú du lịch.

 

Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Bắc Giang sẽ tiến hành quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; lập kế hoạch khảo sát tuyến du lịch liên kết giữa các địa phương: Bắc Ninh – Bắc Giang – Tây Yên Tử (Quảng Ninh) nhằm giới thiệu mạnh hơn Du lịch Bắc Giang tới du khách, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí trong nước. Bên cạnh đó, Bắc Giang cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp, xây dựng các tuyến đường mới đến các điểm du lịch.

 

Phương Anh (tổng hợp) 

Tổng cục Du lịch