Trong khuôn khổ chương trình hợp tác xúc tiến du
lịch giữa Việt Nam
và Trung Quốc, trong hai ngày 26 và 28/11 vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối
hợp với các ban ngành liên quan của Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo khoa học
“Tuyến du lịch đỏ Trung – Việt”.
 |
Nhà triển lãm Hồ Chí Minh tại Quảng Tây - Trung Quốc |
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có lãnh đạo
Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các bảo tàng, ban quản lý di tích của các
tỉnh; về phía Trung Quốc có đại diện chính quyền huyện Long Châu (tỉnh Quảng
Tây, Trung Quốc), Viện Khoa học xã hội, Đại học sư phạm, các bảo tàng, các công
ty du lịch Long Châu và tỉnh Quảng Tây.
Đây là lần thứ hai, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với chính
quyền huyện Long Châu tổ chức Hội thảo với chủ đề này. Hội thảo xuất phát từ ý
tưởng về sự kết nối những điểm du lịch ở những địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
sống và làm việc (thời kỳ trước năm 1945) tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Mục đích của
cuộc Hội thảo nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và tăng cường hơn nữa tình
hữu nghị của hai nước Trung - Việt; nghiên cứu sâu sắc hơn những hoạt động cách
mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây, Trung Quốc; phát triển tuyến “du
lịch đỏ” xuyên biên giới nằm trong kế hoạch hợp tác "Hành lang biên giới
hai nước Việt – Trung”.
Trong cuộc đời cách mạng của mình, Trung Quốc là đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc lâu nhất, trong đó tỉnh Quảng Tây là nơi
lưu lại dấu chân của Người nhiều nhất. Riêng ở huyện Long Châu có tới 12 địa
danh mang dấu tích của Bác trong giai đoạn từ 1939 -1944 như: Nhà số 73 phố Bát
Bảo (nay là phố Doanh), nhà số 80 và 82 phố Bạch Sa, nhà số 99 - 101 phố Nam… Hiện
nay, Trung Quốc đã bảo tồn, lưu giữ các di tích và xây dựng Nhà trưng bày lưu
niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều tài liệu, hiện vật thể hiện tình cảm gắn
bó mật thiết giữa những chiến sĩ cách mạng Trung Quốc với Việt Nam và tình cảm
của đồng bào Long Châu với Bác Hồ...
 |
Khu di tích Pác Bó - Cao Bằng |
Trước khi diễn ra Hội thảo lần này, ngày 8/5/2008, tại huyện
Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã diễn ra Hội thảo khoa học "Hồ Chí
Minh với Long Châu". Sau Hội thảo, các công ty lữ hành Trung Quốc đã tiến
hành khảo sát những địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại Long Châu (Trung Quốc) và một số điểm ở
Việt Nam như: Pác Bó (Cao Bằng) – ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên
Quang) - Hà Nội. Tại Thái Nguyên, Đoàn đã thăm Khu di tích Tỉn Keo, khu di tích
lịch sử An toàn khu Trung ương tại huyện Định Hóa, Nhà trưng bày, dâng lễ, dâng
hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, trồng cây lưu niệm và trao đổi kinh nghiệm với
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa. Ngoài ra
Đoàn Trung Quốc còn tham quan một số địa danh có tiềm năng phát triển “du lịch
đỏ” của Việt Nam như Bảo tàng Hoàng Văn Thụ (tỉnh Lạng Sơn), khu di tích Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội… Tháng 8/2010, Cục du lịch
quốc gia Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức lễ phát động chương trình du lịch
“Theo dấu chân Bác Hồ”.
Để đánh giá thực trạng và tiềm năng kết nối tuyến “du lịch
đỏ” giữa các tỉnh Đông Bắc Việt Nam với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tháng
9/2010, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch liên
tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên – Lạng Sơn. Bên cạnh đó, phía Việt Nam
còn tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
Việt Nam và Trung Quốc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, xúc tiến và
quảng bá du lịch đến du khách hai nước.
Theo
đại diện Trung Quốc, để tuyến “du lịch đỏ” hấp dẫn du khách hơn, hai nước nên
triển khai hai tuyến du lịch trọng điểm: phía Việt Nam là tuyến Hà Nội - Pác
Bó; phía Trung Quốc là Tĩnh Tây - Long châu - Nam Ninh - Quế Lâm.
Phạm Phương biên tập