Festival khèn Mông lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Giang
Cập nhật: 19/08/2011
Chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Hà Giang (1891 – 2011), trong hai ngày 21- 22/8/2011, tại Nhà Văn hóa Trung tâm và Sân vận động Trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) sẽ diễn ra Festival khèn Mông 2011. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tỉnh Hà Giang tổ chức, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa Du lịch “Ấn tượng cao nguyên đá Đồng Văn” (diễn ra từ 16-26/8/2011). Dự kiến, sẽ có khoảng 300 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn tại festival.

Điểm nhấn của Festival khèn Mông 2011 sẽ là các chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc với chủ đề “Vũ điệu khèn cao nguyên” và “Thi liên hoan khèn Mông”. Một số tiết mục đặc sắc sẽ được trình diễn trong chương trình như: sự tích tình khèn, tiếng khèn âm vang cao nguyên, giai điệu ngày mới, múa khèn Mông… Ngoài ra, tại buổi lễ khai mạc, UBND tỉnh Hà Giang sẽ công bố kỷ lục Guiness Việt Nam cho chiếc khèn Mông lớn nhất.  

Festival khèn Mông lần thứ nhất năm 2011 được tổ chức nhằm khuyến khích và bảo tồn một số thể loại nghệ thuật độc đáo từ cây khèn như: múa khèn, thổi khèn....; phát huy tính năng riêng có của nó trong đời sống sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của dân tộc Mông; đồng thời sưu tầm các bài khèn truyền thống cũng như bài khèn mới gắn liền với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Mông. Việc tổ chức Festival khèn Mông gắn với các hoạt động của Tuần Văn hóa Du lịch “Ấn tượng cao nguyên đá Đồng Văn” còn góp phần quảng bá vẻ đẹp kỳ vĩ của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn và giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế.  

Với khoảng 190.000 người sinh sống chủ yếu ở 4 huyện vùng cao phía bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện phía tây là Xín Mần, Hoàng Su Phì, dân tộc Mông có số dân đông nhất ở tỉnh Hà Giang hiện nay. Với người Mông, từ lâu, khèn đã trở thành một nhạc cụ quen thuộc, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa và đời sống thường ngày.  

Được chế tác từ gỗ Pơmu, khèn Mông là một hộp cộng hưởng bao gồm 6 ống trúc có lưỡi gà bằng đồng với kích cỡ khác nhau, khi thổi phát ra cùng lúc nhiều âm thanh, nhiều bè. Tiếng khèn khi khỏe khoắn, giục giã, lúc dìu dặt, tha thiết, gọi mời… thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên của vùng cao nguyên bao la, hùng vĩ cũng như nét tươi sáng và giản dị trong tâm hồn người Mông.

Phạm Phương - Thúy Hằng (TTTTDL)