Hội thi diễn ra ngày 20/10/2007, do UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty cao su Đắk Lắk tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Hội thi thu hút 157 nghệ nhân, 54 nhóm bếp thuộc 9 dân tộc (Ê Đê (2 nhóm), M’Nông, Lào, Vân Kiều, Tày, Thái, Mường, Hoa) đến từ TP. Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận của tỉnh Đắk Lắk.
128 món ăn truyền thống của các dân tộc thiểu số thể hiện nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em. Nếu như người Ê Đê có món cà đắng nấu với cá khô; cà đắng giã với sả, ớt xanh; canh môn rừng nấu với cá suối; núc-nác nướng chấm muối ớt xanh thì người M’Nông có rau dầm-tang, đọt mây rừng, măng đắng, lá bép và nhiều loại rau rừng khác nấu với cá đồng. Người Mường lại có món canh gà nấu với măng chua, người Vân Kiều có xôi lạp nấu trong ống lồ ô… Tất cả những món ăn dân giã này được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà nguyên liệu chủ yếu được lấy từ sông, suối, ao hồ hoặc vào tận rừng sâu, núi cao… Điều dễ nhận thấy sự khác biệt và đặc sắc nhất trong các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là vị cay của ớt xanh, vị đắng của đọt mây, trái núc-nác, cà đắng, vị chua của măng, mùi thơm của sả, ngò gai…
Những bếp lửa đơn sơ (được kê bởi 3 hòn đá, củi chẻ và rơm rạ) toả khói thơm nồng hơi thở đồng quê. Sau một tiếng đồng hồ trổ tài, bữa tiệc văn hoá ẩm thực các dân tộc được bày biện khéo léo, mang tính nghệ thuật dân gian đặc sắc. Thực khách Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk may mắn có được dịp thưởng lãm cùng lúc trên 100 món ăn của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; men rượu cần nồng say hoà trong bầu khí rộn ràng của cồng chiêng ngày hội.
Hội thi Văn hoá ẩm thực truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên lần thứ nhất thể hiện tài nghệ nấu ăn của phụ nữ các dân tộc, nhằm bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em. Đây được coi như một sản phẩm du lịch đặc sắc cần được khai thác đúng mức, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách, quảng bá hình ảnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.