Hội thảo "Lễ hội - nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý"
Cập nhật: 18/05/2012
Ngày 16/5/2012, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Lễ hội - nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý" nhằm đưa ra các giải pháp để lễ hội ở Việt Nam ngày càng phát triển lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm và văn minh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải; Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Lưu Trần Tiêu; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Vũ Minh Giang đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Du lịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, các cục, vụ thuộc Bộ VHTTDL, sở VHTTDL các địa phương cùng các đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định: Lễ hội được xem là loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là hình thức diễn xướng dân gian hàm chứa các giá trị lịch sử, nghệ thuật. Việc tổ chức lễ hội không những thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, mang lại sự vui tươi, phấn khởi, đoàn kết cho cộng đồng mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc đến du khách quốc tế, đồng thời bảo tồn, phát huy có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Hội thảo có 3 tiểu ban phân tích, đánh giá cụ thể về các nội dung như: lý thuyết, nhận thức và cách tiếp nhận lễ hội; giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của lễ hội. Có tất cả 25 tham luận được trình bày tại hội thảo, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: những nhận thức về lễ hội cổ truyền; lễ hội và vai trò của cộng đồng, tính chủ thể trong lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại; trình bày và diễn giải di sản văn hóa phi vật thể ở lễ hội đương đại; tiếp cận lễ hội truyền thống từ góc nhìn của cộng đồng, từ góc nhìn ấn chương Việt Nam; lễ hội dân gian trong đời sống đương đại ở Việt Nam; từ nghiên cứu cấu trúc đến quản lý lễ hội truyền thống của người Việt Nam…

Bên cạnh việc góp ý, thảo luận để làm rõ hơn nữa về mặt lý luận, nhận thức đối với bản chất, giá trị của lễ hội trong đời sống, những đặc điểm giống và khác nhau giữa lễ hội cổ truyền và lễ hội hiện đại, công tác quản lý và tổ chức lễ hội, quy hoạch địa điểm tổ chức lễ hội, sự ảnh hưởng của lễ hội đến môi trường, vấn đề phát triển lễ hội theo hướng bền vững, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung như: tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm cụ thể của từng cấp chính quyền đối với công tác tổ chức, quản lý lễ hội; quản lý, tổ chức lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng theo quan điểm bảo tồn và kế thừa; có cách tiếp cận lễ hội một cách đúng đắn để từ đó có nhận thức đúng về lễ hội, tránh làm sai lệch giá trị của lễ hội, làm phai mờ bản sắc văn hoá của lễ hội…

Theo thống kê năm 2009, cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và các lễ hội khác.



                                                                                                             Thanh Hải (TTTTDL)