Nằm ở phía nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định đang bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề, di tích lịch sử văn hóa… Vùng đất này luôn mời gọi, chào đón du khách gần xa về khám phá và trải nghiệm.
Thế mạnh là di sản
Nam Định hiện đang bảo tồn, lưu giữ gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 77 di tích cấp quốc gia, 216 di tích cấp tỉnh; có nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc tiêu biểu như: Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói, chùa Lương, cột cờ Nam Định. Ngoài ra, còn có các di tích lịch sử văn hóa gắn với các danh nhân như: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà thơ Tú Xương, nhà lưu niệm Nguyễn Bính, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh…
Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, Nam Định còn bảo tồn và phát triển trên 70 làng nghề với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống như: nghề chạm khảm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên), mây tre đan Vĩnh Hào (huyện Vụ Bản), nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực)… Nam Định còn bảo tồn được những di sản văn hóa, tiêu biểu là trên 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, nhiều lễ hội với nét độc đáo riêng, có sức hút du khách gần xa về dự hội như: Lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần, lễ khai ấn đầu năm, hội chợ Viềng…
Tại các lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tái hiện: rối nước, hát văn, đi cà kheo, bơi chải, thổi cơm thi, thi bắt vịt… đã thực sự tạo nên dấu ấn và nét đẹp của vùng đất đồng bằng châu thổ sông Hồng trong lễ hội đầu xuân.
|
Đền Trần (Nam Định)
|
Nổi bật ở Thiên Trường là những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của nhà Trần đã tạo nên cho vùng đất này loại hình du lịch văn hóa tâm linh vô cùng phong phú. Ngoài quần thể di tích văn hóa nhà Trần tập trung tại khu vực TP Nam Định và huyện Mỹ Lộc, tại Nam Định còn có hàng trăm di tích bao gồm đền, phủ, chùa, miếu, lăng với các kiểu dáng kiến trúc đa dạng liên quan đến tục thờ Đức Thánh Trần và các vua, quan, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Nổi bật có một số di tích tiêu biểu của văn hóa nhà Trần có khả năng khai thác, phát huy giá trị phục vụ du lịch: Khu di tích lịch sử văn hóa triều Trần, chùa Tháp, đền Bảo Lộc, đền Cao Đài…
Quy hoạch, liên kết để phát triển
Để Nam Định thực sự là một điểm đến hấp dẫn, thời gian vừa qua, Nam Định đã nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Định đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Nam Định sẽ ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh; tập trung các nguồn lực nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch đối với du khách; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu du lịch Rạng Đông, các khu vui chơi, giải trí ở công viên Tức Mạc; phối hợp liên kết với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng để quy hoạch, phát triển du lịch đường sông; khai thác và phát triển các điểm du lịch nổi trội như: Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Tòa Giám mục Bùi Chu…; khảo sát tiềm năng du lịch sinh thái theo các điểm: Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông; các làng nghề truyền thống: chạm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, làng hoa cây cảnh Vị Khê…
Đó là vấn đề có tính lâu dài, còn vào đầu tháng 10/2012, Nam Định sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (1262-2012); đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Dịp này, tại Nam Định sẽ có nhiều hoạt động hết sức sôi động, mang đậm nét văn hóa của địa phương để phục vụ người dân và du khách gần xa khi về với Nam Định.