Hội đua bò Bảy Núi đã có từ lâu, được tổ chức vào dịp Lễ Dolta - lễ hội truyền thống của người Khmer, để cầu phước cho linh hồn tổ tiên và người thân đã khuất.
Đua bò là môn thể thao mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer An Giang vào dịp Lễ Dolta hàng năm. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc đang sinh sống ở vùng Thất Sơn hùng vĩ. Hội đua bò Bảy Núi năm nay diễn ra vào ngày 14/10, tại sân chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) với 64 đôi bò tham gia. Ngoài 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, BTC còn mời các đôi bò đến từ huyện: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (An Giang) và 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang).
Sen Dolta (cúng ông bà) là lễ hội lớn thứ 2 sau Lễ CholChnamThmay của đồng bào Khmer diễn ra 3 ngày (từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch) với mục đích cầu phước, cầu siêu cho những người đã khuất. Những năm gần đây được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, đời sống bà con Khmer ngày càng khấm khá, nên ai cũng vui vẻ tổ chức lễ hội thật chu đáo.
Ngoài ra, còn có các buổi trình diễn Dùkê, Rôbăm, nhưng Hội đua bò Bảy Núi thực sự độc nhất vô nhị của Lễ Dolta. Lễ Dolta và hội đua bò là những ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ của riêng đồng bào Khmer, mà là niềm vui chung của bà con người Kinh, Hoa và Chăm.
Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, Trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) ngày trước, xuất phát từ làm ruộng cấy đổi công trên đồng, các tay đua bò rủ nhau đến nhà chùa cày bừa để sư sãi cấy lúa. Cày xong, chủ bò được ông Lục đãi cơm, xôi, rượu. Sau đó, sư sãi, à cha mới đứng ra làm trọng tài giữa các đôi bò trong phum sóc này với phum sóc kia để thi đấu với nhau cho vui. Những đôi bò khỏe mạnh, dai sức, chạy nhanh thì được giữ lại cày bừa trong các mùa vụ tiếp theo. Dần dà, tục này được tổ chức vào Lễ Dolta và trở thành môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi…
Từ năm 2009, An Giang đã nâng hội đua bò trở thành Hội đua bò Bảy Núi mở rộng tranh Cup truyền hình An Giang. Hội đua bò Bảy Núi được 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên tổ chức, tạo nên không khí hào hứng cho mọi người đến xem, cổ vũ.
Anh Chau Sanl, chủ đôi bò giành giải Ba, trong Hội đua bò Bảy Núi năm ngoái, hào hứng: Hội đua bò Bảy Núi không kém phần sôi nổi so với đua ghe Ngo, đua xe, đua ngựa. Thông thường, mỗi cuộc đua có từ 40-50 đôi bò tham gia, mỗi lần đua có 2 đôi bò cùng tranh tài và được tuyển chọn từ vòng thi đấu cơ sở. Các đôi bò tham gia cuộc đua phải kéo theo một giàn bừa, răng bừa bằng gỗ được cưa ngắn. Người điều khiển đôi bò phải đứng thật vững trên giàn bừa vung gậy điều khiển bò như đang bừa trên ruộng. Nếu đôi bò bị loại, đồng nghĩa với người điều khiển bị loại, không được điều khiển các đôi bò khác.
Hấp dẫn nhất của đua bò chính là ở vòng hô. Tuy các đôi bò chạy chậm, nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của người điều khiển đôi bò. Tài xế nào “cứng tay” điều khiển cho đôi bò của mình làm đôi bò đối thủ hoảng loạn chạy “tạt” ra ngoài vòng đua sẽ đoạt vé vào vòng trong. Cứ vậy, từ mấy chục đôi sẽ loại dần còn 4 đôi vào tranh nhất, nhì, ba, tư. Trong quá trình huấn luyện, để bò hiểu được ý chủ, lúc nào chạy nhanh lúc nào chạy chậm, khi nào thì vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua, nghệ thuật “chặt” cua nhưng vẫn giữ tốc độ cao, không chạy ra ngoài vòng đua là bí quyết riêng của từng tài xế.
Theo TS. Ngô Quang Láng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang, điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với An Giang là những lễ hội dân tộc truyền thống, những kiến trúc sắc sảo, độc đáo của các chùa chiền, lăng miếu, thánh đường; các sản phẩm dệt thổ cẩm, các sản phẩm địa phương cùng với các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer…
Trong tương lai không xa, Lễ hội đua bò Bảy Núi sẽ trở thành lễ hội Quốc gia, không chỉ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tôn vinh văn hóa truyền thống, tạo động lực mới cho phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa trong tỉnh mà còn là điểm đến du lịch không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.