Cây hoa quỳnh thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Nhìn cây hoa quỳnh người ta khó phân biệt đâu là lá, đâu là thân bởi có bộ phận thân giống như phiến lá, bản rộng, dẹp, màu xanh và có gân ở giữa.
Hoa mọc ở kẽ những vết khía của thân (phần dẹp và rộng bản). Bên cạnh cây hoa quỳnh, người ta thường trồng cây giao. Cây giao là một loại cây chỉ có cành mà lại không có lá. Khi cây giao trồng cạnh cây quỳnh thì cây quỳnh sớm có hoa và ra hoa ra nhiều hơn. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, có câu "Hài văn lần bước dặm xanh. Một vùng như thể cây quỳnh cành giao", nói lên vẻ đẹp rất hài hoà trên người Kim Trọng, giữa Kim Trọng với cảnh sắc chung quanh ví như sự hài hoà giữa cây quỳnh với cành giao.
Cánh hoa quỳnh mỏng như lụa, màu trắng ngà, nhị màu vàng, đẹp lộng lẫy. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm, toả hương thơm ngát, nhẹ nhàng, thanh tao, rất quyến rũ. Ngồi ngắm hoa quỳnh nở, người ta có thể quan sát bằng mắt thường các cánh hoa từ từ hé nở. Sau khi nở hết cỡ là hoa cụp trở lại, héo và tàn dần. Hoa nở vào khoảng 9 đến 10 giờ tối, vì thế hoa quỳnh càng trở nên hiếm hoi. Người chơi hoa quỳnh phải chờ đợi công phu, kiên nhẫn mới có dịp được tận mắt ngắm hoa nở.
Vào những đêm trăng sáng, vừa uống trà, vừa ngắm trăng, vừa đọc thơ và nhìn hoa quỳnh nở là một thú chơi tao nhã của lớp người cao sang quyền quý ngày xưa, "khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên".
Quỳnh được trồng trong bồn, chậu để dễ khiêng đi khiêng lại khi xem hoa nở. Trồng quỳnh bằng cách cắm cành. Hiện nay ở Đà Lạt còn có loại hoa quỳnh màu vàng, đỏ nở ban ngày rất đẹp. Hoa quỳnh phơi khô còn là một vị thuốc chữa bệnh tiểu đường.