Trong những năm gần đây, với mục tiêu đưa du lịch, văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho thành phố, tiêu chí "Huế, thành phố Festival" đã được đưa ra với rất nhiều nỗ lực và thành công. Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để có nhiều hơn những festival chất lượng, hiệu quả là vấn đề được đặt ra. Ý tưởng về một festival hoa anh đào tại Huế cũng nằm trong mối quan tâm này.
Hoa Anh đào từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. Hình ảnh những bông hoa mỏng manh rực rỡ khoe hương sắc trong gió xuân se lạnh phần nào phản ánh tinh thần sống của người Nhật, thanh cao, cống hiến và sẵn sàng hy sinh thân mình cho nghĩa khí. Vì thế, hoa anh đào được trồng rất nhiều trên nước Nhật và hàng năm, khi hoa nở, những lễ hội thưởng hoa được tổ chức khắp nơi. Trong dịp lễ hội, người dân Nhật thường cùng bạn bè ngồi dưới tán hoa đào, ăn uống nhẹ, trò chuyện và thưởng hoa.
Với những lý do khác nhau, hoa anh đào Nhật Bản đã du nhập vào nhiều nước và rất được yêu thích. Ở châu Âu, giống hoa anh đào bông lớn, nhiều cánh, màu hồng thắm đã được du nhập từ cách đây vài trăm năm và gần như đã được bản địa hóa. Đặc điểm của giống này là cây lớn, có cây thân to bằng cả vòng tay người ôm, tán phủ rộng, có khi đến cả trăm mét vuông, mỗi bông hoa có rất nhiều cánh màu hồng đậm. Để cây được phát triển tốt hơn, người ta còn ghép cành vào các gốc cây anh đào bản địa hoa màu trắng, vì thế, đôi khi chúng ta có thể bắt gặp trên một cây có những cành cho cả hoa màu trắng và màu hồng. Đơn cử như ở Pháp, giống hoa này được trồng rất nhiều ở hai bên đường, trong công viên để làm cảnh và tạo bóng mát. Đặc biệt là ở công viên Parc de Seaux, một công viên rất lớn ở phía nam Paris, có một khu vườn hình tròn đường kính khoảng một trăm mét vuông chỉ trồng mỗi loại hoa này, thu hút rất nhiều khách tham quan vào mùa hoa nở.
Hoa anh đào cũng đã được các tổ chức hoặc chính phủ Nhật Bản tặng cho các nước khác, như một thông điệp về văn hóa và hòa bình của nước mình. Nổi bật nhất là vườn hoa ở hồ Tidal, thủ đô Washinton của nước Mỹ, với 3.000 gốc Anh đào được chính phủ Nhật tặng cho nước Mỹ vào năm 1912. Ở vườn hoa này, một lễ hội kéo dài trong hai tuần cũng được tổ chức hàng năm, với nhiều hoạt động như thưởng thức món ăn Nhật Bản sushi, rượu sake, trình diễn trang phục kimono, lễ hội đường phố, đua xe đạp quanh hồ Tidal, thu hút hàng triệu khách đến tham gia, không chỉ từ nước Mỹ mà còn từ nhiều nước khác.
Ở Việt Nam, hoa anh đào cũng đã có mặt ở một số nơi. Được biết nhiều hơn cả là ở Đà Lạt với giống hoa cánh đơn, màu đỏ thắm đã được trồng khá lâu và còn được gọi dưới tên mai anh đào. Giống hoa này tỏ ra khá thích hợp với khí hậu bản địa, mỗi độ xuân về góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho thành phố ngàn hoa này. Ở Sa Pa, tuy chỉ với số lượng vài chục cây và chỉ ra hoa được vài mùa nhưng những cánh đào Nhật Bản được trồng ở đây cũng đã trở nên nổi tiếng và thu hút rất nhiều khách du lịch, giới nhiếp ảnh.
Còn ở Huế thì sao? Tại sao anh đào hầu như chưa được trồng và cũng hầu như chưa được đề cập đến. Vấn đề đầu tiên và khó khăn nhất mà ai cũng có thể nhận ra ngay là sự khác biệt về khí hậu. Anh đào vốn xuất phát từ vùng ôn đới, khó sống được ở vùng nhiệt đới, nhất là vùng khắc nghiệt như Huế, với mùa hè rất nóng. Tuy nhiên, anh đào vốn là giống cây khỏe, có thể có có tính thích ứng cao. Hơn nữa, giống cây này cũng có nhiều loại, phân bố ở nhiều vùng khí hậu khác nhau của Nhật Bản và vì thế, có thể tìm được một loại có thể thích hợp được với điều kiện khí hậu của Huế. Việc lựa chọn một khu vực mát mẻ, gần nguồn nước như sông, hồ lớn cũng có thể khắc phục phần nào khó khăn này. Ghép hoa anh đào vào một giống cây bản địa khỏe, sinh trưởng mạnh cũng là một hướng rất đáng được lưu ý. Tất cả điều này đều có thể nhờ sự hỗ trợ của phía Nhật Bản, vốn dĩ rất quan tâm đến việc quảng bá văn hóa của đất nước họ, thể hiện cụ thể qua một số lần họ đã tổ chức lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội, và mới đây là ở Quảng Ninh.
Nếu khắc phục được khó khăn về vấn đề giống như đã nói trên thì việc trồng và tổ chức một Festival hoa anh đào ở Huế là một điều có thể làm được với không quá nhiều chi phí. Có thể khởi đầu bằng một đề nghị phía Nhật Bản tổ chức lễ hội hoa anh đào ở Huế, từ đó đề nghị được hỗ trợ về kỹ thuật và giống cây. Địa điểm trồng thì có hai nơi lý tưởng, một là công viên dọc bờ sông Hương, đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Linh Mụ. Trên đoạn này, có nhiều khu vực đang còn trống hoặc chỉ mới được trồng thưa thớt một số cây bình thường. Địa điểm thứ hai là ở cồn Dã Viên, phía hạ nguồn, vốn dĩ đã được trồng rất nhiều các loại cây như Bằng Lăng, Phượng Vĩ. Tuy các loại này cũng cho hoa khá đẹp nhưng do chúng quá bình thường và phổ biến ở Việt Nam nên không tạo nên được giá trị độc đáo nào, cũng không mang lại được nhiều lợi ích về phía du lịch hoặc văn hóa.
Và nếu vườn đào này thành công thì chỉ trong vòng từ 5 đến 10 năm, một Festival hoa anh đào thường niên tại Huế sẽ nằm trong tầm tay. Trên nền hoa đỏ thắm, trong khí xuân phơi phới, tham quan những hoạt động văn hóa, ẩm thực kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản thì còn gì thú vị bằng. Và chắc chắn điều này sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho Huế, cả về văn hóa lẫn kinh tế, giúp thành phố xứng đáng với tiêu chí “Huế, thành phố Festival”.