Du lịch – dịch vụ Đồng Văn (Hà Giang) sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 04
Cập nhật: 06/09/2013
Với tiềm năng, thế mạnh và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển du lịch – dịch vụ giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến 2020.
Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, ngành Du lịch Đồng Văn đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Nhận thức của người dân về du lịch – dịch vụ, lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia được nâng lên rõ rệt.


Triển khai thực hiện nghị quyết, trong công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch – dịch vụ, các Ban xây dựng Đảng của huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết từ huyện đến cơ sở cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch – dịch vụ. Đại bộ phận nhân dân đều đồng tình ủng hộ và quyết tâm thực hiện nghị quyết. UBND huyện và các cơ quan chức năng đã ban hành gần 100 văn bản các loại nhằm tăng cường chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách về phát triển du lịch – dịch vụ. Huyện đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí của địa phương, Trung ương xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về Cao nguyên đá Đồng Văn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam để quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện với bạn bè trong nước và Quốc tế. In ấn bản đồ chỉ dẫn, biển báo, tờ rơi, tờ gấp với số lượng 10.000 tờ, trị giá 140 triệu đồng để phục vụ khách đến tham quan, du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động Chợ đêm Phố cổ hàng tháng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian vào các dịp lễ, tết; củng cố, tăng cường hoạt động biểu diễn của Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp Hoa Lê Trắng và các đội văn nghệ quần chúng để thu hút khách du lịch. Tổ chức các hội thảo để phân tích, đánh giá những khó khăn, thuận lợi và đề ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển KT-XH nói chung, thu hút, đầu tư du lịch – dịch vụ nói riêng.

Trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác phục vụ du lịch – dịch vụ, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo và Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô. Lập hồ sơ xếp hạng đối với các di tích như: Đền Quan Hoàng, đền Quan Công, đền Quanm Bồ Tát; di tích khởi nghĩa Sùng Mí Chảng... để phục vụ du lịch tâm linh. Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập dự án trùng tu nâng cấp khu Phố cổ Đồng Văn. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn. Đến nay trên địa bàn huyện đã đưa vào sử dụng 11 nhà nghỉ với 130 phòng đạt tiêu chuẩn, chất lượng; 11 hộ gia đình cải tạo nhà ở để làm phòng nghỉ; 10 cơ sở lưu trú bình dân với 35 phòng nghỉ. Hiện nay đang xây dựng 3 khách sạn, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Khuyến khích phát triển 25 nhà hàng ăn uống hoạt động thường xuyên phục vụ du khách, ngoài ra còn có các cơ sở giải khát, vui chơi giải trí như cà phê Phố Cổ, Phố Xưa, Gió Núi; ẩm thực Phố Cổ tại thị trấn Đồng Văn và trung tâm các xã. Bên cạnh đó, để có các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách, huyện đã tập trung đầu tư, xây dựng các làng nghề truyền thống như Làng nghề may mặc thị trấn Phó Bảng; Làng nghề thêu dệt thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; Làng nghề đan lát thôn Mã Trề, xã Sính Lủng... Nhiều cơ sở chế biến nông sản, chế tác đá mỹ nghệ được hình thành, đi vào sản xuất có hiệu quả.

Có thể nói, sau 2 năm thực hiện nghị quyết 04, những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện Đồng Văn được khai thác một cách đáng kể. Hoạt động kinh doanh du lịch phát triển, địa bàn du lịch được mở rộng, các điểm du lịch được tôn tạo... Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng lượng khách du lịch Quốc tế cũng như nội địa đến với Đồng Văn vẫn tăng trưởng khá. Năm 2012 có 58.358 lượt khách, tăng 93,24% so với năm 2011. 7 tháng đầu năm 2013 đã đón được 51.892 lượt khách. Doanh thu từ phí tham quan, du lịch đạt trên 1 tỷ đồng, trong đó, năm 2011 đạt gần 200 triệu đồng, năm 2012 trên 500 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt 366 triệu đồng.

Mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch còn nhiều khó khăn, hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác du lịch – dịch vụ còn kém nhưng với lượng khách du lịch và phí thu từ hoạt động du lịch – dịch vụ trên địa bàn đã tăng qua từng năm, từ khi thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn, có thể khẳng định nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống, nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân các dân tộc trong huyện và nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch – dịch vụ. Với những nỗ lực thực hiện nghị quyết, hy vọng ngành du lịch – dịch vụ sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Báo Hà Giang