Phát biểu tại hội thảo “Phát triển du lịch Ninh Thuận và quảng bá điểm đến Ninh Thuận” vừa diễn ra tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ts. Nguyễn Công Hoan, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP. Hồ Chí Minh cho rằng:
“Ninh Thuận có những đặc trưng văn hóa có thể tạo thành thế mạnh riêng để phát triển du lịch như: làng gốm Bầu Trúc, làng dệt cổ Mỹ Nghiệp, làng trồng nho. Đáng tiếc hướng phát triển này vẫn chưa được quan tâm phát triển thành loại hình du lịch trải nghiệm”.
Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cũng cho biết nếu phục dựng được bẫy đá Pi Năng Tắc và tổ chức du lịch thuyền ven sông Cái sẽ thu hút du khách nhưng nhiều năm nay vẫn không làm được do không có kinh phí. Ông Hoàn cho rằng, Ninh Thuận nên phát triển sâu và mạnh về du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm, trong đó hai Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa là những điểm đến lý tưởng cho du khách, những người yêu thiên nhiên, quan tâm tìm hiểu văn hóa cộng đồng…
Bên cạnh đó, du lịch Ninh Thuận có một điểm mạnh mà không phải nơi nào cũng có được: là địa phương có đồng bào Chăm cư trú đông nhất cả nước, tuy nhiên thế mạnh này Ninh Thuận chưa khai thác đúng mức. Hầu như du khách khi đến Ninh Thuận chỉ được đưa đến tham quan Tháp Poklong-Girai, làng dệt Mỹ Nghiệp, gốm Bầu Trúc và hầu như cũng chỉ được hướng dẫn đến đó để mua đồ lưu niệm. Trong khi đó, du khách đâu phải chỉ mua đồ lưu niệm là xong. Họ còn muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần cũng như các khía cạnh khác của một dân tộc có một nền văn hóa dày dặn mà trong đó vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã.
Rất nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng: Du lịch Ninh Thuận cần phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, có như thế mới có thể thu hút khách đến với mình. Còn du lịch biển mặc dù không thể bỏ qua, nhưng nếu chú trọng quá nhiều về du lịch biển mà bỏ quên du lịch văn hóa và sinh thái thì khó thu hút khách vì khó có thể cạnh tranh với hai tỉnh láng giềng Bình Thuận và Khánh Hòa vì sản phẩm quá đơn điệu.