Đá mỹ nghệ Đà Nẵng phục vụ khách du lịch
Cập nhật: 10/09/2013
Cơ sở điêu khắc đá Thanh Thiện là đơn vị duy nhất của Làng đá mỹ nghệ Non Nước hội đủ các yếu tố tham gia và hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch theo Quyết định 55/2012/QĐ-UBND thành phố.
Tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của cơ sở ở 161 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, du khách có thể mua được hàng chục loại sản phẩm bằng đá để làm quà lưu niệm. Ưu điểm lớn nhất của các sản phẩm bằng đá ở đây là các sản phẩm nhỏ, gọn, đẹp và giá cả phải chăng. Đó là những con vật trong 12 con giáp, hoặc một số con vật trong nhóm linh vật theo truyền thuyết phương Đông như: Long, Lân, Quy, Phụng… bằng đá và nằm gọn trong các túi đựng nhỏ… nên khách hàng có thể mua nhiều để làm quà cho người thân. Thành công của cơ sở thể hiện ở chỗ các mặt hàng bằng đá nhỏ gọn này đã dần thay đổi suy nghĩ của du khách về những sản phẩm bằng đá của Làng đá mỹ nghệ Non Nước trước đây là cồng kềnh, nặng nề và rất khó khi vận chuyển.

Là người con của làng nghề, lại có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, nên hàng ngày thấy hàng trăm du khách đến tham quan, rất thích sản phẩm của Làng đá nhưng không mua được vì sản phẩm quá to và nặng, ông Mai Thanh Thiện, chủ cơ sở điêu khắc đá Thanh Thiện tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã trên cơ sở những mẫu sản phẩm truyền thống và làm cho nhỏ lại, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ông đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm thiết bị và sản xuất thử. Kết quả, những sản phẩm đầu tay của cơ sở được du khách yêu thích, mua làm quà lưu niệm và đã được các cơ quan chức năng xét chọn tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch của thành phố. Ông Mai Thanh Thiện cho biết: Trong gần 20 loại sản phẩm bằng đá mà cơ sở sản xuất để làm quà lưu niệm, sản phẩm nặng nhất như con Trâu, Rồng… chỉ khoảng 1kg, số còn lại khá nhỏ và vừa tay, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng làm quà lưu niệm khi đi du lịch đến Đà Nẵng. Theo kế hoạch, năm 2013, cơ sở sẽ sản xuất từ 2.000 đến 3.000 sản phẩm bán cho du khách.

Để giữ uy tín với khách, cơ sở đã xây dựng quy trình rất khắt khe từ khâu mua nguyên liệu đến các công đoạn khác. Nếu ở bất kỳ khâu nào không đạt chất lượng, sản phẩm đó sẽ bị loại. Đối với công nhân, cơ sở chỉ chọn những người có tâm và chí thú với nghề, vì theo ông Thiện, chỉ có những người thợ như vậy thì sản phẩm làm ra mới có “hồn”, sống động, được du khách chấp nhận.
Báo Đà Nẵng