Du lịch Đà Lạt thu hút khách nước ngoài
Cập nhật: 01/10/2013
Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của khách trong nước, gần đây Đà Lạt ngày càng hấp dẫn khách nước ngoài với nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như leo núi, đu dây vượt thác và hồ, trượt thác, xe đạp địa hình…Trong đó mới mẻ nhất là loại hình vượt sông bằng xuồng cao su và chương trình vào rừng nghe chim hót.
Mạo hiểm du lịch vượt thác

Từ Đà Lạt, hai du khách người Mỹ Justin và Megan được xe chở chạy theo quốc lộ 20 về hướng Cầu Đất để đến thác hang cọp thuộc xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Sau khi ngắm cảnh đẹp của thác, các hướng dẫn viên chuyên nghiệp vai mang balô, dẫn du khách băng qua những rừng thông nguyên sinh cao vút.

Du khách được rèn thể lực trong khoảng 45 phút bằng cách vượt qua những ngọn đồi cao, rồi lại đi bộ xuống sông La Bá. Khi đã thấm mệt, họ ngồi bên bờ sông uống nước, nạp thêm năng lượng.

Đây cũng là lúc các hướng dẫn viên kiêm huấn luyện viên du lịch mạo hiểm tháo balô, mang ra những chiếc xuồng cao su và bắt đầu bơm đầy hơi. Khoảng 15 phút sau, hai vị khách được mặc áo phao an toàn, các huấn luyện viên hướng dẫn cách chèo thuyền, các động tác kỹ thuật cần thiết khi gặp nước xoáy, cách cho xuồng vượt ghềnh đá…

Để tạo sự an tâm, tin tưởng cho du khách, nhóm hướng dẫn viên chèo một xuồng đi trước, xuồng của hai du khách theo sau. Tuy vậy, khi qua những đoạn sông có nước xoáy, du khách cũng bị nhiều phen thót tim.

Khó nhất là khi vượt qua những ghềnh đá, có lúc các hướng dẫn viên phải chỉ dẫn du khách điều khiển xuồng trôi lùi lại để không bị trôi xuống đoạn sông thấp hơn. Ghềnh đá thứ nhất, thứ hai… cả khách lẫn chủ đều vượt qua trót lọt.

Đến ghềnh thứ sáu, do nước xoáy mạnh nên Justin và Megan bị lật xuồng. Cả hai một phen hoảng hồn, ngoi lên khỏi mặt nước, mặt biến đổi thần sắc.

Sau vài phút “định thần” Justin quyết định vác xuồng lên bờ đi ngược dòng sông lên trên ghềnh đá để thử lại thủy trình. Quả thật, sau một lần té ngã Justin đã rút ra được bài học kinh nghiệm, và lần thứ hai anh đã thành công trong tiếng reo hò của người bạn đồng hành và các huấn luyện viên.

Sau ba giờ đồng hồ, vượt qua 7km đường sông với 11 ghềnh đá, du khách nghỉ ngơi, ăn trưa trên triền đá ven sông La Bá. Tuy mệt nhưng Justin và Megan đều tỏ ra thích thú xen lẫn một chút tự hào khi đã “vượt qua chính mình” qua việc chinh phục dòng sông.

Để trở lại quốc lộ 20, du khách được hướng dẫn băng rừng trong 60 phút để ra ngõ nhà máy chè Cầu Đất, nơi có những nương chè Ô Long chất lượng cao quanh năm xanh tốt.

Êm ả vào rừng nghe chim hót

Gần đây, những cánh rừng ở Nam Tây Nguyên đã trở thành nơi du khách đến nghe chim hót, để lắng lòng với những âm điệu ngân lên từ núi rừng. Theo chân một đoàn du khách Thái Lan vào rừng Tà Nung, khu rừng ven thành phố Đà Lạt để nghe chim hót, chúng tôi mới thấy sự thú vị của tour du lịch lãng mạn này.

Hướng dẫn viên Ngô Anh Tuấn của Công ty Khám Phá Đà Lạt cho biết khu rừng khoáng đạt này chứa đựng trong lòng nó hệ thống động thực vật đa dạng, phong phú, giàu có. Đến đây, du khách như lạc vào thế giới đầy mê hoặc của thiên nhiên.

Từ mùi ẩm ướt của cỏ cây đến những tiếng thú rừng đều dẫn dắt cảm hứng khám phá của những bước chân ưa mạo hiểm. Đoàn du khách này do chị Wanida Srimungkol làm trưởng đoàn.

Câu lạc bộ của chị gồm những người bạn với nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề cùng lập nên để khám phá các vùng đất lạ. Họ đặc biệt yêu thích và tìm hiểu về các loại chim.

Theo bản đồ chim di trú, đoàn của chị Wanida Srimungkol đến Lâm Đồng vào những mùa khô. Vào Nam Cát Tiên, sau khúc dạo đầu trong thảm động thực vật sinh động, họ đến với những góc rừng quy tụ các loại chim đang say sưa hót.

Từ sáng sớm đến lúc hoàng hôn, mỗi loài chim hót vào những thời điểm khác nhau, rành rọt như một ca sĩ đang luyện thanh phô diễn chất giọng giữa núi rừng bát ngát. Cũng có khi nhiều loài cùng cất tiếng hót như một dàn hợp âm.

Từ Nam Cát Tiên, đoàn du khách cùng di chuyển về Đà Lạt bằng cách rong ruổi trong các rừng từ khu rừng cạnh đồi Yên Ngựa tại Langbian đến rừng Tà Nung bát ngát.

Đã nhiều năm đi nghe tiếng hát tại nhiều khu rừng ở Đông Nam Á, chị Wanida Srimungkol vẫn còn nguyên cảm xúc háo hức khi đứng trước một cánh rừng và càng muốn bộ sưu tập âm thanh của mình dày dặn theo tháng năm.

Chia sẻ đam mê với chị còn có người chồng tên Piboon. Anh là giảng viên đại học nhưng vẫn dành thời gian rảnh rỗi trong năm đi cùng vợ. Giờ tổ ấm của họ có thêm thành viên mới là cậu bé Silp, mới gần hai tuổi bé được bố mẹ dẫn theo chuyến du lịch của mình.

Tuy vất vả với việc chăm con trong cả hành trình, nhưng cả hai vợ chồng luôn hỗ trợ nhau để có thể cảm thụ được vẻ đẹp của rừng và nghe chim hót.

Trong hành trình, họ chuẩn bị đầy đủ các loại máy hiện đại để không chỉ được nghe âm thanh mà còn được ngắm nhìn con chim lẻ loi đâu đó trên cành cây, hay từng đàn chim bay về tổ mỗi buổi chiều tà.

Trong một tuần rong ruổi qua các cánh rừng Lâm Đồng, họ dậy sớm, về trễ, cùng đưa con nhỏ vào rừng và truyền tình yêu thiên nhiên cho cậu bé; cùng trải nghiệm vài khoảnh khắc trong quãng hành trình ấy, họ cảm nhận được những cảm xúc thật tươi tắn, mở rộng với những người bạn đầy cá tính và mê say…
doanhnhansaigon.vn