Hà Nội gắn bảo tồn với phát triển du lịch
Cập nhật: 02/10/2013
Việc mở rộng không gian đi bộ phải phát huy các di sản văn hóa, kiến trúc, phố nghề, từ đó thu hút khách du lịch... Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại buổi làm việc giữa UBND TP. Hà Nội với quận Hoàn Kiếm về Đề án mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp 1, khu phố cổ Hà Nội (ngày 1/10).
Theo đề án, ngoài chợ đêm Đồng Xuân, không gian đi bộ sẽ mở rộng sang các tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Đây là những phố có truyền thống về văn hóa ẩm thực, có nhiều di tích lịch sử. Những tuyến phố này sẽ gắn kết tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tạo thành một quần thể không gian đi bộ trong khu vực phố cổ.

Từ năm 2009 đến nay, Công ty Cổ phần Đồng Xuân (đơn vị được giao nghiên cứu đề án) đã phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng các phương án như: Phân luồng giao thông, bố trí điểm giao thông tĩnh, đảm bảo an ninh trật tự - phòng cháy chữa cháy; đầu tư cơ sở vật chất và sắp xếp các hộ kinh doanh… Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: Sẽ có khoảng 76 hộ dân phải sắp xếp lại, trong đó có 46 hộ đang kinh doanh trên vỉa hè (giữ nguyên hiện trạng và chấn chỉnh chỉ giới). UBND quận đã tổ chức họp và nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân. Vì vậy UBND quận đề nghị thành phố cho phép triển khai Đề án ngay trong năm 2013, qua đó tạo sức hút cho du lịch Hà Nội.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, muốn đảm bảo an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy, Công ty Cổ phần Đông Xuân không nên mở thêm cửa hàng, lắp đặt thêm các kiốt giữa lòng đường. Đại diện Sở VHTTDL Hà Nội góp ý, ngoài việc tổ chức ẩm thực, đơn vị thực hiện Đề án nên khôi phục các phố nghề, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian ở khu vực các di tích, từ đó tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo: Đề án không nên bó hẹp trong khu vực phố cổ mà nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi ra khu vực hồ Hoàn Kiếm; đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về trật tự trị an xã hội và sự đồng thuận của nhân dân cũng như cảnh quan đô thị, công trình di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra, các tuyến phố phải phát huy các di sản, giá trị văn hóa, không gian kiến trúc, làng nghề...

Phó Chủ tịch yêu cầu, UBND quận Hoàn Kiếm cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, huy động nguồn lực đầu tư chỉnh trang các tuyến phố, đồng thời xây dựng việc thu phí quản lý sát với thực tế. Quận cũng cần phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh việc nghiên cứu, khoanh vùng phạm vi, xây dựng quy chế quản lý khu phố đi bộ kèm theo Đề án. Cuối tháng 10, UBND quận Hoàn Kiếm phải báo cáo cụ thể để UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt.
www.ktdt.vn