Sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung khai thác những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử để phát triển, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm chất lượng, chuyên nghiệp, độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng Cố đô.
Đa dạng các sản phẩm OCOP chiết xuất từ các cây thảo dược tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Yến Trinh
Cùng với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và văn hóa, Ninh Bình là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề thủ công truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm cùng cảnh quan đặc sắc, hội tụ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Hiện nay, tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, 183 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP.
Tiềm năng lớn về quà tặng, quà lưu niệm
Thời gian qua, Ninh Bình đã có nhiều chính sách kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khai thác sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm làng nghề, nhất là khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình du lịch. Thông qua đó, các đơn vị lữ hành bước đầu chú trọng đến vấn đề xây dựng, chào bán tour liên kết với các làng nghề truyền thống, giới thiệu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Ninh Bình đến khách du lịch.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đến Ninh Bình, ngoài việc thăm thú những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, anh còn mua đặc sản cơm cháy, thịt dê, các bức tranh thêu của làng nghề thêu ren Văn Lâm,... về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện các sản phẩm của công ty không ngừng được cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, các nghệ nhân nơi đây đã tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm bằng cách giới thiệu những tích truyện, những câu chuyện văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của vùng đất Cố đô. Qua đó, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Ninh Bình, trở thành món quà lưu niệm, quà tặng mang tính khác biệt, độc đáo, riêng có của gốm Bồ Bát với những sản phẩm gốm khác.
Hiện sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình khá đa dạng từ đồ trang trí, tranh ảnh, đồ gỗ mỹ nghệ, khăn choàng, ga gối thêu ren, gốm sứ, ẩm thực... chủ yếu của các làng nghề truyền thống, đặc trưng như: Gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm, cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, mộc Phúc Lộc; đan cót Vân Long,...
Cùng 101 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 4 sao trở lên như: Cơm cháy, thịt dê, mắm tép Gia Viễn, nem Yên Mạc, rượu Kim Sơn, trà hoa vàng, các loại trà thảo dược, mật ong, tỉnh còn nhiều sản phẩm quà tặng lưu niệm vừa tích hợp được giá trị đặc sắc độc đáo, vừa thể hiện được tính chuyên nghiệp, từ đó tạo dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân.
Tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm
Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình tuy có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, song số lượng quà tặng còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Một số sản phẩm chưa bảo đảm sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài. Số lượng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối quà tặng, quà lưu niệm.
Mặt khác, sản phẩm quà tặng du lịch mang nét đặc trưng của tỉnh còn đơn giản về mẫu mã, nghèo nàn về chủng loại và chưa tạo được dấu ấn, thương hiệu để hấp dẫn du khách. Vì vậy, số lượng du khách tới Ninh Bình rất nhiều nhưng mức chi tiêu của họ tại đây còn khá hạn chế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trải nghiệm tại khu di sản Tràng An hiện có một số bưu thiếp có đề cập đến cánh đồng lúa chín, cảnh chèo thuyền ở Tam Cốc, phong cảnh núi đá vôi Tràng An. Thực chất quà tặng, quà lưu niệm di sản ở đây hầu như không có gì đặc sắc. Đến khu di sản Tràng An, người ta chỉ thấy ở đây các loại nón lá, có chiếc trên nón vẽ ngôi sao vàng đề chữ Việt Nam, có chiếc đề chữ Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, còn hầu hết là túi xách in cô gái áo dài Việt Nam, túi thổ cẩm hoặc hình con trâu nhồi bông trang trí hoa văn H’Mông vùng Tây Bắc, những chiếc quạt giấy, chiếc túi xách nhập từ địa phương khác, không gợi nhớ gì về bất kỳ di sản nào của Tràng An.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho rằng, Ninh Bình cần phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch từ các di tích, di vật thời tiền sử và lịch sử của Tràng An như: Đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử, chùa Nhất Trụ; cột Kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ 10... Những sản phẩm này giúp du khách có thể sở hữu, trải nghiệm hoặc gợi lại một giai đoạn lịch sử; góp phần quảng bá, lan tỏa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương và du khách.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, thời gian tới, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã bộ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch mang thương hiệu Ninh Bình, để mỗi sản phẩm gắn với các câu chuyện văn hóa, lịch sử, tạo ấn tượng với khách du lịch. Kết nối giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tạo thành chuỗi liên kết, xây dựng các mô hình hợp tác xã, các quy trình sản xuất để cho du khách được trải nghiệm các khâu sản xuất ra sản phẩm. Đồng thời, mở rộng kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm tới du khách, nhất là khách quốc tế; triển khai các hình thức xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện cho sản phẩm quà lưu niệm; đào tạo và bồi dưỡng nhân lực để phát triển sản phẩm; từng bước triển khai tổ chức lễ hội quà tặng, quà lưu niệm du lịch thường niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
“Ninh Bình cần tạo ra môi trường thông thoáng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm, bảo đảm chất lượng và an toàn cho sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm OCOP gắn với mục đích phát triển du lịch. Cùng với đó, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tại các điểm đến du lịch; cần có sự đầu tư cho các chiến lược phát triển sản phẩm đi đôi với chiến lược marketing; xây dựng liên kết, kết nối phát triển kênh phân phối các sản phẩm đặc sản, quà tặng du lịch và các sản phẩm OCOP gắn với các đơn vị kinh doanh du lịch để tỉnh phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo mang bản sắc riêng” - Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận định.
Văn Lúa - Yến Trinh