Lào Cai chú trọng đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch
Cập nhật: 29/10/2013
Lào Cai có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch ở cả 3 loại hình: du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái, mạo hiểm và du lịch cộng đồng tập trung ở các địa bàn có lợi thế về du lịch như thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà.
Do đó, địa phương đã xây dựng và thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015” nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Theo đó, Lào Cai đã quy hoạch các tuyến, điểm du lịch và ưu tiên đầu tư phát triển du lịch tại các địa bàn có lợi thế về du lịch.


Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 tuyến điểm du lịch và 16 tuyến du lịch địa phương/cộng đồng được công nhận. Đã tổ chức quy hoạch du lịch chi tiết tới các huyện, xã, thôn; quy hoạch điểm, tuyến du lịch, phân vùng phát triển du lịch; qua đó đã phát huy tiềm năng thế mạnh của từng khu vực và dần hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Lào Cai được xác định là “cầu nối” các tuyến du lịch cho du khách Việt Nam sang Trung Quốc và du khách Trung Quốc qua Lào Cai sang thăm các danh thắng của Việt Nam; đây cũng là một trong những điểm đến nằm trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang). Vì vậy, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Đặc biệt, hệ thống đường giao thông ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển du lịch. Toàn tỉnh hiện có 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 451km; 10 tuyến tỉnh lộ được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường du lịch thuộc huyện Bắc Hà, hoàn thành tuyến đường Vi-ô-lét thuộc thị trấn Sa Pa, tiếp tục thi công các tuyến đường du lịch Phéc Bủng – Cốc Ly (huyện Bắc Hà) dài 15km… từ nguồn vốn ngân sách và hạ tầng du lịch quốc gia, qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển mạnh hơn nữa.

Việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch cũng được quan tâm thích đáng. Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, hiện tại địa phương đã thu hút hơn 10 dự án đầu tư vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa, mỗi dự án có vốn đầu tư từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, trong đó có các nhà đầu tư lớn như: Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên (Saigontourist); công ty Cổ phần Đầu tư Indochina; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam... Số dự án trong lĩnh vực khách sạn ngày càng gia tăng với nhiều cơ sở lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Tính chung đến nay, Lào Cai đã có 450 cơ sở lưu trú với trên 5.400 phòng phục vụ du khách; trong đó, có 80 cơ sở đạt chất lượng từ 1 – 4 sao, ngoài ra còn có 100 nhà nghỉ lưu trú tại gia ở các thôn bản phát triển du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa và Bắc Hà. Điều đó chứng tỏ sự thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh mẽ.

Đầu tư hạ tầng du lịch đúng trọng tâm, trọng điểm đã đem lại “trái ngọt” cho ngành du lịch. Giai đoạn 2011- 2013, Lào Cai đã đón trên 3 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch xã hội đạt trên 5.400 tỷ đồng, qua đó sự đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao (năm 2012, ngành du lịch, dịch vụ chiếm 36,2% trong tổng số GDP của tỉnh). Ngành du lịch đã tạo thêm công ăn việc làm cho 8.150 lao động; hơn nữa sự phát triển của du lịch còn kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ.

Một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói” là có hạ tầng du lịch đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách. Thời gian qua địa phương đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư thích đáng vào lĩnh vực này, tuy nhiên điều đáng quan tâm là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và hạ tầng du lịch quốc gia để xây dựng hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế, giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 28,3 tỷ đồng, chiếm 7% so tổng nguồn vốn; các nguồn đầu tư cho hạ tầng du lịch chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài và của cơ quan phát triển Pháp (AFD). Một điểm đáng chú ý là các dự án đầu tư lớn tập trung chủ yếu vào huyện Sa Pa và thành phố Lào Cai, riêng huyện Bắc Hà chưa thu hút được các dự án lớn. Bên cạnh đó, một số tuyến đường giao thông tới các tuyến, điểm du lịch trọng điểm đã xuống cấp, nhất là các tuyến Sa Pa - Tả Phìn, Sa Pa – Bản Hồ; thiếu các trạm dừng chân, ngắm cảnh, điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch trên tuyến đường du lịch Lào Cai – Sa Pa, Lào Cai – Bắc Hà.

Yếu tố quyết định quan trọng để kinh tế du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vẫn là hạ tầng du lịch. Do đó, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi lớn nhất về công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép tại Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai; đầu tư nâng cấp khai thác Nhà du lịch Bắc Hà theo mô hình Nhà du lịch Sa Pa đang hoạt động hiệu quả. Xây dựng hệ thống biển quảng cáo tấm lớn, biển chỉ dẫn giới thiệu tại các điểm du lịch đã được đánh giá, xếp hạng trong khu vực; quy hoạch và xây dựng các khu trừng bày và bán sản phẩm của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng. Được như vậy, kinh tế du lịch Lào Cai sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới.

 

ĐCSVN