Phê duyệt 2 đề cương quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng
Cập nhật: 29/10/2013
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 3624 và 3625/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được cho là cần thiết và cấp bách làm tiền đề cho công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững.
Vùng này, theo định hướng phát triển du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Vị trí du lịch vùng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hành lang du lịch xuyên Á.
Tương lai của khu vực này là các dự án lớn như: Đường cao tốc Dầu Giây-Long Thành-TP. Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai), cầu Đồng Nai mới, các trung tâm công nghiệp mới Trảng Bom, Long Thành, (Đồng Nai), đô thị hoá các huyện trung tâm tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu.
Vùng có hệ thống sân bay Tân Sơn Nhất là một trong hai cửa khẩu hàng không quốc tế lớn nhất nước, sân bay Côn Đảo; hệ thống bến cảng cửa khẩu quốc tế đường biển (Thị Vải, Sài Gòn...) và cửa khẩu quốc tế đường bộ Mộc Bài (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước).
Trong khi đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, theo định hướng phát triển du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang du lịch Đông - Tây và tuyến du lịch xuyên Việt.
|
Bãi biển Ghềnh Ráng Tiên Sa (Bình Định)
|
Vùng này có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm gần TP. Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên xuống biển đông; có một phần lãnh thổ gắn liền với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt; đầu mối nhiều tuyến giao thông đường bộ hướng Đông-Tây nối biển đông với vùng Tây Nguyên và xa hơn là với Lào, Campuchia và các nước ASEAN.
Du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, là cầu nối du lịch Bắc- Nam; điểm đầu của các tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Cửa ngõ miền Đông Nam Bộ”, đầu cầu và cũng là cửa ngõ ra biển đông của hành lang du lịch Đông - Tây. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hoá, di sản. Vì vậy, sự phát triển du lịch vùng này cũng rất quan trọng đối với du lịch cả nước.
Với vị trí địa lý quan trọng, và những đặc thù về tài nguyên, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong bảy vùng du lịch cả nước, giữ vai trò hết sức quan trọng đối với du lịch Việt Nam.
Sau khi được phê duyệt đề cương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) sẽ lập “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến vào năm 2014).
Báo Văn hóa
|
|
|