Vườn Quốc gia Xuân Thủy nhận bằng khen của Thủ tướng
Cập nhật: 03/12/2013
Ngày 29/11 vừa qua, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập (2003-2013) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Vườn Quốc gia Xuân thủy là một bãi bồi rộng lớn 7.100ha nằm ở phía Nam cửa sông Hồng. Phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã, nhất là các loài chim di cư quý hiếm.

Tháng 1/1989, Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước đầu tiền của Đông Nam Á tham gia Công ước Ramsar (Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước - Ramsar, Iran 1971).

Tiền thân của Vườn Quốc gia Xuân Thủy là Trung tâm tài nguyên và môi trường của huyện Giao Thủy. Tháng 10/1995, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên ngập nước Xuân Thủy.

Do có nhiều tiềm năng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững tầm quốc gia và quốc tế, tháng 1/2003 Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Tháng 12/2004, UNESCO tiếp tục công nhận Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Các bãi bồi rộng lớn nằm xen kẽ với các dòng sông tạo nên cảnh quan tự nhiên đặc thù của khu vực, gồm các cồn bãi và đầm lầy, là nơi sinh trưởng của rừng ngập mặn, nơi sinh sống của các loài chim nước, chim di trú quý hiếm.

Những năm gần đây, ở Việt Nam hầu như chỉ có thể tìm gặp Cò Thìa, Rẽ Mỏ Thìa (hai loài chim quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của quốc tế) và đại đa số các loài chim di trú quan trọng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Theo Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/1/2003, Vườn Quốc gia Xuân Thủy thực hiện nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước, chim di trú; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.

Trong 10 năm qua, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, nhất là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giáo dục môi trường cho cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.

Các quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn; tạo các sinh kế bền vững cho cộng đồng như trồng nấm, nuôi ong, phát triển du lịch sinh thái... đã góp phần thiết thực trong việc thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên vùng bãi bồi khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Cộng đồng dân cư địa phương đã có thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực. Trong đó hiệu quả nhất là khai thác các loài tôm, cua, cá tự nhiên ở vùng triều; mô hình nuôi ngao quảng canh ở cuối Cồn Lu - Cồn Ngạn.

Bên cạnh đó, hàng nghìn hécta rừng đã được trồng mới và bảo vệ, trong đó trên 1.000ha rừng ngập mặn được phục hồi và phát huy tốt giá trị sinh thái môi trường của khu vực.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ và tư vấn của các Tổ chức phi chính phủ và các quỹ bảo tồn, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã triển khai nhiều chương trình, dự án như chương trình liên minh đất ngập nước (WAP); dự án phát triển cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tại Việt Nam; dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích.

Các chương trình bước đầu đã đem lại những thành công nhất định góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vườn sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đã được định hướng, trở thành điểm trình diễn về kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế trong tương lai.

Nhân dịp này, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đón nhận hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và cá nhân.
Vietnam+