Quy hoạch tổng thể gắn với gìn giữ, phát huy giá trị Di sản VHTG Thành Nhà Hồ
Cập nhật: 02/12/2013
Sáng 28/11, Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Dự án nghiên cứu khai quật tổng thể Khu di tích Thành Nhà Hồ và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì hội nghị.

Việc xây dựng dự án khảo cổ học tổng thể Thành Nhà Hồ được khẳng định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thực hiện cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Từ năm 2004 đến nay, khảo cổ học đã tiến hành khai quật 7 địa điểm trong thành, gồm: Đàn tế Nam Giao, thành nội, La thành, cửa Nam, công trường khai thác đá, Gò Mả, Gò Ngục. Qua đó, bước đầu làm rõ mô hình cấu trúc và kỹ thuật xây dựng đàn tế; dấu tích kiến trúc thời Trần – Hồ và Lê sơ trong thành nội; cách thức xây dựng La thành; xuất lộ một phần con đường Hoàng Gia; khẳng định công trường khai thác và chế tác đá tương đối hoàn chỉnh, bài bản, công phu tại núi An Tôn...

Kế hoạch khai quật khảo cổ học tổng thể di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2013-2020 sẽ tập trung khai quật, thăm dò, tìm kiếm các dấu tích kiến trúc trong thành nội, nhất là khu vực Chính điện; khai quật đoạn đường Hoàng Gia từ cửa Nam lên cửa Bắc, 2 cửa Đông, Tây và từ cửa Nam lên Đàn tế Nam Giao; khai quật cổ học 4 cửa Hoàng thành; khai quật thăm dò Hào thành.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực UBND tỉnh đã nghe đại diện Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan báo cáo “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, phạm vi quy hoạch được xác định theo ranh giới được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Lộc, có diện tích 5.078,5 ha, với vùng lõi (155,5 ha) và vùng đệm (4.923 ha). Quy hoạch đã làm rõ mục tiêu, tính chất và những khó khăn đặt ra trong thực hiện quy hoạch; đồng thời đưa ra dự báo phát triển và xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch trong quá trình quản lý di sản. Từ các cơ sở khoa học, sử liệu, đồng dạng – đồng niên và kinh nghiệm, quan điểm của các nhà nghiên cứu trên thế giới về việc trùng tu Thành Nhà Hồ, đơn vị quy hoạch đã đề xuất phương án quy hoạch tổng thể không gian và quy hoạch tổng thể hạ tầng kỹ thuật bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch...

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là công trình có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Vì vậy, mọi quy hoạch hay mục tiêu phát triển phải hướng đến gìn giữ, phát huy giá trị to lớn của di sản. Đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khảo cổ bước đầu và công tác xây dựng quy hoạch tổng thể về di sản, đồng chí đề nghị, trước mắt cần tập trung cho dự án khảo cổ, trong đó phải xác định cụ thể đến các năm 2014, 2015 sẽ thực hiện khai quật những công trình nào phục vụ tốt nhất cho công tác xây dựng quy hoạch. Đồng thời, đơn vị xây dựng quy hoạch cần nghiên cứu các tài liệu khoa học, khảo cổ và cách làm của các nước, qua đó xây dựng bức tranh tổng thể kiến trúc, không gian di sản dưới định dạng 3D, làm cơ sở cho việc khôi phục, bảo tồn; việc quy hoạch phải bảo đảm sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với di sản; đặc biệt chú trọng đến gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch. Đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện trong công tác khai quật khảo cổ và xây dựng quy hoạch tổng thể; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí kinh phí năm 2014 cho 2 nhiệm vụ này...

Báo Thanh Hóa