Bắc Hà - khơi nguồn văn hoá các dân tộc phục vụ du lịch
Cập nhật: 02/06/2008
Tối 30/5/2008, Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Hà 2008 đã diễn ra tại sân vận động Trung tâm huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Bắc Hà quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch.

Tuần văn hoá diễn ra từ 30/5 - 2/6/2008 được đánh giá là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Lào Cai tổ chức ở vùng đất này. Chương trình nghệ thuật khai mạc “Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Hà 2008” đã “quảng bá” một cách nghệ thuật hầu hết các lễ hội dân gian tiêu biểu cũng như những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở Bắc Hà, khơi dậy khát vọng khám phá của du khách.

Ngày hội Gầu Tào âm vang tiếng khèn, sáo, tưng bừng điệu múa, trò chơi của người Mông; Lễ hội cấp sắc của người Dao với tiếng kèn pí lè, tiếng chuông và rực rỡ sắc đỏ của trang phục. Điệu xòe uyển chuyển của người Tày Tả Chải, múa ngựa độc đáo của người Nùng… Ngoài diễn viên quần chúng của Trung tâm văn hóa, các trường nghệ thuật, còn có sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân ở bản làng.

Các hoạt động phong phú, sáng tạo của Tuần văn hóa cũng đồng thời là những sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn du khách. Lễ khai trương chảo thắng cố khổng lồ được công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam là một sự kiện độc đáo. Chiếc chảo có thể nấu được 3 con ngựa và phục vụ đồng loạt 1.000 thực khách. 

Lễ hội mận Bắc Hà và lễ rước mận được tổ chức tưng bừng dưới hình thức festival đường phố mang đậm bản sắc Bắc Hà. 200 diễn viên đều là nghệ nhân các dân tộc, đem những vật thiêng, biểu tượng của dân tộc mình diễu qua đường phố, quảng bá hình tượng cây mận.

Các chàng trai, cô gái Mông rước biểu tượng chiếc khèn khổng lồ, con quay, quả dưa...; người Tày rước đàn then, quả còn, chim én; người Dao rước chiếc chuông khổng lồ; người Nùng rước đèn tròn, đôi đũa thiêng và biểu tượng chim én; người La Chí rước trống với biểu tượng thần rắn, đầu trâu, mặt trăng và mặt trời…

Giải đua ngựa truyền thống huy động 70 chú ngựa đua tài, lễ hội sông Chảy, chương trình khám phá sắc thái văn hóa bản làng cũng là những điểm nhấn ấn tượng. Theo T.S Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, việc xây dựng các điểm du lịch ở bản làng nhằm mục đích để người dân được hưởng thụ theo tuyến du lịch cộng đồng.

Điều dễ nhận thấy: người dân đã thực sự là chủ thể của mọi hoạt động, từ trình diễn văn hóa nghệ thuật đến hội chợ, văn hóa ẩm thực. Nhiều sản vật của bà con các dân tộc ở Bắc Hà được quảng bá, giới thiệu như: rượu ngô Bản Phố, thắng cố, phở chua, lợn quay…

Người dân Bắc Hà đã và đang nắm lấy cơ hội phát triển dịch vụ du lịch khi ý thức được sản vật của địa phương thành sản phẩm du lịch có giá. Theo chị Vàng Thị Khương, người dân tộc Tày, xã Tà Chải cho biết: Nông sản Bắc Hà, bánh chưng đen, gạo nếp Nậm Xít, gạo tám thơm xã Bảo Nhai, nếp cẩm Bản Liền, mật ong rừng, lợn “cắp nách” xã Bản Già, gạo Xén Cù xuất phát từ Mường Khương được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư huyện ủy huyện Bắc Hà cho biết: huyện đang tập trung phát triển du lịch với định hướng được xác định là kinh tế mũi nhọn, tập trung quy hoạch về lâu dài, huy động cộng đồng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, và đặc biệt chú ý đến nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Nhờ có bước đi đúng hướng, vững chãi, kinh tế du lịch Bắc Hà có những bước phát triển vượt bậc, số lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng ngày một đông. Từ 23.000 ngàn lượt khách năm 2.000, thì đến năm 2007 đã có khoảng 62.000 lượt khách và 4 tháng đầu năm 2008 đón 18.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm trên 65%. Giá trị dịch vụ du lịch đạt 30 tỷ đồng, chiếm 17% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, cùng với lòng mến khách của đồng bào các dân tộc nơi đây, Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Hà đã góp phần đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với cao nguyên trắng, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc và gìn giữ môi trường sinh thái.
VOV