Tại cuộc họp báo, gặp mặt báo chí và công bố các sự kiện của ngành VHTTDL năm 2013 tại Hà Nội hôm qua (7/1), Phó tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Bộ VHTTDL vừa trình thủ tướng chính phủ về việc xây dựng nghị quyết của chính phủ về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2014- 2020”.
Nếu được phê duyệt và triển khai, đây sẽ là bước ngoặt mới để phát triển ngành du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp với sự vào cuộc đồng bộ và phân công trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, nghị quyết được xây dựng làm căn cứ chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề cụ thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển du lịch; thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, các giải pháp đưa ra trong nghị quyết chỉ rõ trách nhiệm của bộ, ngành, các địa phương trong việc phối hợp thực hiện.
Trong những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; đem lại nguồn ngoại tệ lớn, thu hút đầu tư, tác động tích cực tới sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo nhiều việc làm cho xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; góp phần khẳng định hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là các di sản thế giới ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả nói trên, sự phát triển của du lịch Việt Nam còn chưa thật bền vững, năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là trong bối cảnh du lịch Việt Nam hội nhập ngày một toàn diện hơn với khu vực và thế giới.
Trong khi đó, dự báo trong những năm tới, kinh tế thế giới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đi kèm với thiên tai lũ lụt có tác động trực tiếp đến cơ sở vật chất và hoạt động du lịch.
Cạnh tranh quốc gia, nhất là giữa các quốc gia trong cùng khu vực đang ngày càng trở nên gay gắt. Kinh tế vĩ mô trong nước chưa thực sự ổn định, giá cả như điện, xăng dầu còn biến động, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với một số nước trong khu vực...
Vì thế, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của chính phủ về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2014- 2020” là rất quan trọng và cần thiết.
Mục tiêu của nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn đang là rào cản, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Nghị quyết nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng, đặc biệt là các địa phương trọng điểm du lịch trong triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Tạo sự phối hợp liên ngành, liên vùng, đặc biệt là các địa phương trọng điểm du lịch trong việc triển khai chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam, đạt và vượt mục tiêu mà chiến lược đã đề ra.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong hội nhập, ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, ngoài việc thực hiện chiến lược và quy hoạch đến 2020, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch; tăng cường đầu tư cho du lịch thông qua chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và doanh nghiệp du lịch; tăng cường tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường kiểm soát môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch.