Ngày 10/6/2008, Lễ tế Xã Tắc - một trong những lễ tế lớn và có tầm quan trọng, thuộc hàng đại tự dưới triều Nguyễn, lần đầu tiên được tổ chức trọng thể tại đàn Xã Tắc nằm ở phía tây nam Hoàng Thành, Huế.
Đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời vua Gia Long thứ 5 (1806) để tế thần đất (Xã) và thần ngũ cốc (Tắc), cầu cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Đàn được đắp bằng đất sạch của tất cả các địa phương trong nước góp về.
Theo sử sách ghi lại: Dưới triều Nguyễn, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức một năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu. Đích thân nhà vua làm chủ tế. Ngay từ sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ Đài kéo lên, các vị trí đã được bày sẵn, vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ đài phát lên; đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn rẽ hướng tây đến đàn tế.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Lễ tế Xã Tắc đã không được thực hiện.
Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của Lễ tế Xã Tắc, di tích đàn Xã Tắc đã được trùng tu, Lễ tế Xã Tắc cũng đã được nghiên cứu và lần đầu tiên được phục dựng một phần tại Festival Huế 2008.
Lễ tế đã được tiến hành trang nghiêm, kính cẩn với một đoàn rước khoảng trên 300 người tham gia, bắt đầu xuất phát từ khu vực Ngọ Môn cho đến đàn Xã Tắc. Tại đây, Lễ tế được thực hiện với đầy đủ các nghi tiết như: Lễ Quán tẩy, Thượng hương, Nghinh thần, Điện ngọc bạch, Truyền chúc, Hiến tước, Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn. Theo lời xướng, nhà vua (diễn viên sắm vai) tiến đến rửa tay làm lễ dâng hương, đón các thần, dâng ngọc lụa, dâng rượu, đọc chúc văn, ban phúc... và cuối cùng nhà vua làm lễ tiễn thần.
Sau khi Lễ tế hoàn tất, nhân dân đã đến chiêm bái và dâng hương: cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi.