Trải nghiệm phong tục trồng cây nêu ở bảo tàng dân tộc (Hà Nội)
Cập nhật: 24/01/2014
Ngày 23/1, tại Hà Nội, đúng vào ngày tiễn ông Táo chầu trời, bảo tàng dân tộc Việt Nam tổ chức chương trình 23 tháng Chạp âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như lễ dựng cây đu, cây nêu ngày Tết, cúng ông Táo...
 

Theo phong tục của người Việt, khi năm hết Tết đến, các gia đình thường dựng cây nêu ở trước nhà từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày mùng 7 Tết thì hạ xuống, với mong muốn xua tan vận hạn năm cũ, cầu may mắn và tốt lành trong năm mới. 

Hiện nay, ở nhiều nơi, phong tục này hầu như không còn. Ý nghĩa, biểu tượng của cây nêu chỉ còn trong trí nhớ của một số người lớn tuổi. 

Chính vì thế, việc tham dự chương trình 23 tháng Chạp tại bảo tàng dân tộc Việt Nam là một cơ hội trải nghiệm lý thú cho nhiều em nhỏ. 

Giám đốc bảo tàng Võ Quang Trọng cho biết bảo tàng đã mời người dân ở vùng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội làm lễ dựng và cúng khi trồng cây nêu. 

Cây nêu là một cây tre tươi để nguyên ngọn, cao vượt lên khỏi nhà cửa và cây cối xung quanh. Tùy tập quán từng nơi, những đồ vật được treo trên cây nêu có thể là cành đa, lá dứa gai, giấy. 

Cây nêu đánh dấu chủ quyền và đất đai của gia chủ, cành đa tượng trưng cho cành lộc, lá dứa gai để trừ ma quỷ. 

Trước khi dựng, gia chủ phải cúng Thổ công ở ngay vị trí trồng nêu. 

Tham dự chương trình 23 tháng Chạp tại bảo tàng dân tộc học, công chúng còn được tham gia các hoạt động trình diễn như gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, viết thư pháp, làm hoa Tết, chơi trò chơi dân gian các dân tộc…

TTXVN