Năm 2013 là năm hết sức khó khăn và nhiều thách thức với ngành du lịch nói riêng, tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực không ngừng để đạt được những thành tích hết sức ấn tượng, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2014.
Trong 5 tháng đầu năm 2013, ngành du lịch tăng trưởng âm nhưng với sức tăng trưởng mạnh mẽ 6 tháng cuối năm đã đưa cả năm tăng hơn 10,6% với 7,57 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu khách nội địa, tăng 7,7%.
Nhiều dấu ấn
Tại hội nghị vinh danh các doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu 2013, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết năm 2013, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 25% so với 2012.
Cùng với chính sách cho các kỳ nghỉ dài ngày, các chương trình kích cầu du lịch giảm giá đã thúc đẩy người dân du lịch và chi tiêu nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đây mới chỉ tính số tiền khách du lịch bỏ ra chứ chưa tính doanh thu từ du lịch. Nếu tính cả doanh thu từ du lịch (những doanh thu của các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch như vận tải, nhà hàng khách sạn, dịch vụ văn nghệ cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch) từ địa phương tới trung ương thì con số này có thể gấp 1,65 lần.
Những con số trên thể hiện 3 dấu ấn của ngành du lịch Việt Nam:
1. Với việc đón 7,57 triệu lượt khách quốc tế, chúng ta đã tăng gấp 3 lượng khách quốc tế sau 4 năm và đã cán đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Tổ chức du lịch thế giới đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng (2008, 2009).
“Đây là những thành tích rất đáng tự hào nhờ sự đóng góp của những địa phương trọng điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu”, ông Tuấn cho hay.
2. Chiến lược phát triển du lịch 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định phát triển du lịch thay vì trên diện rộng, sẽ chuyển sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng, thương hiệu, hiệu quả. Và năm 2013 là năm tạo dấu ấn mới cho việc thực hiện chiến lược này khi tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch quốc tế bắt đầu cao hơn chi tiêu của khách du lịch nội địa chiếm 25% tổng thu từ khách du lịch.
Du lịch Việt Nam bước đầu hình thành các trung tâm động lực phát triển du lịch của địa phương với sản phẩm đa dạng hơn.
Ở phía Bắc có sự hình thành rõ nét của tứ giác Hà Nội - Hạ Long - Hải Phòng - Ninh Bình. Sau đó, chuỗi miền Trung cho đến Huế với trung tâm là Đà Nẵng kết nối với Huế. Duyên hải Nam Trung Bộ có 2 tâm điểm là Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Thiết (Bình Thuận). Ở phía Nam, trung tâm là Tp.HCM kết nối với các tỉnh lân cận. Ở Tây Nguyên thì Đà Lạt (Lâm Đồng) là trung tâm của cả vùng.
Như vậy định hướng trọng tâm trọng điểm bắt đầu định hình rõ nét hơn với những sản phẩm ngày càng đa dạng và khác biệt.
3. Hệ thống doanh nghiệp du lịch phát triển mạnh bước đầu hình thành những tổng công ty thương hiệu mạnh. Đơn cử như Saigontourist, năm 2013 doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng, trong đó 2.700 tỷ đồng từ lữ hành nội địa (tăng 29%). Còn Vietravel đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng từ kinh doanh lữ hành. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp, tập đoàn như Vingroup, Mường Thanh, SunGroup (Đà Nẵng) cho ra đời các chuỗi khách sạn chất lượng cao, xu hướng nổi trội của năm 2013, mang tính chất bứt phá của doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2013, chúng ta cũng đã tập trung thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể và 3 quy hoạch vùng du lịch; xây dựng chiến lược phát triển tổng thể du lịch và chiến lược về phát triển thương hiệu du lịch. Trên cơ sở đó, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng chiến lược, sản phẩm và thương hiệu của riêng mình cho phù hợp với chương trình tổng thể.
Ngoài ra, 4 điểm đến (Hà Nội, Hạ Long, Tp.HCM, Đà Nẵng) được bầu chọn là những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 4 khách sạn (Metropole, Hayaat, Nam Hải và Residence) cũng nằm trong top 500 khách sạn tốt nhất châu Á. Đây là sự công nhận về chất lượng của quốc tế với dịch vụ và khách sạn cao cấp của Việt Nam.
Năm qua cũng đánh dấu là năm có nhiều hoạt động, chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch và Bộ VHTTDL, nhằm đảm bảo môi trường du lịch văn minh, bảo vệ an toàn an ninh cho du khách.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã đi làm việc với 19 tỉnh trên cả nước về vấn đề an toàn an ninh cho du khách, trong đó đặc biệt chú ý tới những điểm "nóng" về tình trạng chèo kéo, đeo bám khách như Tp.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Thanh Hóa… Kết quả là các địa phương này đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều giải pháp mạnh để chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt tình trạng đó. Chẳng hạn như Thanh Hóa đã thay đổi nhân sự lãnh đạo tại địa phương để mất an toàn, an ninh du lịch; Tp.HCM thành lập lực lượng bảo vệ du khách. Nhiều địa phương như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh đều cam kết siết chặt công tác thanh tra quản lý để giữ gìn môi trường du lịch.
Năm 2014: Tập trung phát triển chiều sâu
Trước hết, định hướng phát triển du lịch Việt Nam năm 2014 được xác định rõ là tập trung vào chiều sâu thay vì cách làm diện rộng tràn lan, tự phát như trước.
“Đây là cơ hội rất tốt để chúng ra thúc đẩy phát triển du lịch. Với mục tiêu thu hút 8,3 triệu lượt khách quốc tế, 37,5 triệu lượt khách nội địa, doanh thu về du lịch tăng 250.000 tỷ đồng, nếu quyết tâm tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn lạc quan.
Nhưng những thách thức của ngành du lịch năm 2014 cũng không nhỏ. Nền kinh tế thế giới và trong nước chưa phục hồi mạnh sẽ ảnh hưởng đáng kể tới ngân sách dành cho du lịch của người dân. Năm 2013 các doanh nghiệp đã bắt tay với hàng không để xây dựng các sản phẩm tour giảm giá kích cầu, tuy nhiên, tiếp tục duy trì lượng sản phẩm này trong năm 2014 cũng đang là bài toán khó với các doanh nghiệp.
Chúng ta cũng chưa có những giải pháp hiệu quả, quyết liệt và rốt ráo để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các địa phương phát triển du lịch. Môi trường du lịch vẫn chưa văn minh, tệ nạn cướp giật chèo kéo, chụp giật lừa đảo du khách vẫn là điểm nóng chưa dễ triệt tiêu...
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp song các cấp, ngành, địa phương chưa có sự vào cuộc đúng mức để đảm bảo an toàn cho du khách, giữ gìn hình ảnh đẹp của Việt Nam.
Vì vậy, trong năm nay, Bộ VHTTDL sẽ tập trung gỡ những vướng mắc khó khăn về chính sách thuế, visa, và môi trường du lịch đảm bảo an ninh an toàn cho du khách. Tổng cục Du lịch nỗ lực giải quyết điểm nóng, đặc biệt là vấn đề an toàn an ninh cho khách du lịch.
Đây không chỉ là giải pháp tạo môi trường an toàn cho khách du lịch mà còn là cách xúc tiến du lịch tại chỗ. Bởi theo ông Nguyễn Văn Tuấn: tạo môi trường an tâm thân thiện với khách du lịch sẽ giữ chân du khách ở lại dài ngày, kéo du khách trở lại, đồng thời thu hút thêm du khách mới. Như vậy mới là phát triển du lịch bền vững.
Tổng cục Du lịch cũng có kế hoạch tập trung sửa luật du lịch vì nhiều quy định trong luật không còn phù hợp với điều điều kiện hiện nay (chẳng hạn như các quy định về cấp thẻ hành nghề cho hướng dẫn viên, quản lý kiểm soát hướng dẫn viên du lịch chui, doanh nghiệp lữ hành chui...).
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đề nghị các Hiệp hội du lịch cần đóng vai trò liên kết mạnh mẽ hơn nữa để gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành khác cũng như địa phương để cùng xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam bền vững.