(TITC) - Sáng ngày 19/2/2014, tại khách sạn Mường Thanh (TP. Điện Biên), Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Dự án EU phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên tổ chức buổi tọa đàm phát triển du lịch Điện Biên – Tây Bắc. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng” (từ ngày 16 – 21/2/2014) nhằm giới thiệu các điểm du lịch mới, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa đến với Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm, về phía đoàn khảo sát có Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình; Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trần Quang Hảo; Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Nguyễn Thành Vượng; Chuyên gia phát triển vùng – Dự án EU Hoàng Nhân Chính; cùng đại diện hơn 60 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên các báo đài. Về phía tỉnh Điện Biên có Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên Phạm Văn Bảo và Đoàn Văn Chì; Giám đốc Trung tâm TTXTDL tỉnh Điện Biên Phạm Minh Giám; cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Văn Chì thay mặt lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên báo cáo tình hình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên và kế hoạch kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên Đoàn Văn Chì báo cáo tình hình phát triển du lịch Điện Biên
Nằm ở phía tây bắc của tổ quốc, Điện Biên có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử, trong đó nổi bật nhất là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ (đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri); và các di tích lịch sử gắn với quá trình giữ đất, giữ nước như: thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất, nhà tù Lai Châu… Bên cạnh đó, Điện Biên còn có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động, hồ nước, nước khoáng… thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Xác định rõ vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội, ngành VHTTDL tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế. Trong những năm qua, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, tôn tạo, phục vụ tham quan du lịch; các cơ sở lưu trú phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở lưu trú, 8 bản văn hóa và trên 20 khu, điểm du lịch phục vụ du khách. Năm 2013, du lịch Điện Biên đã đón 380,5 nghìn lượt khách, trong đó có 66,7 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt trên 430 tỷ đồng. Mục tiêu của du lịch Điện Biên đến năm 2020 là đón 220.000 lượt khách quốc tế và 650.000 lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 900 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại tọa đàm
Đánh giá về du lịch Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Điện Biên có một tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, được nhân dân cả nước tự hào và bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đó chính là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Theo ông, để phát triển du lịch bền vững, ngoài việc phát huy giá trị của những di tích lịch sử cách mạng Điện Biên Phủ, Điện Biên cần có chương trình hành động mạnh mẽ hơn để thu hút du khách, có kế hoạch phát triển lâu dài và cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở VHTTDL Điện Biên cần rà soát lại hoạt động kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cơ sở lưu trú một cách tốt nhất để phục vụ du khách khi lên với Điện Biên. Ông khẳng định, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ để du lịch Điện Biên phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành đóng góp ý kiến tại tọa đàm
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng, sản phẩm du lịch của Điện Biên còn nghèo nàn; cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu; dịch vụ lưu trú chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách trong mùa cao điểm; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn chưa cao... Một số giải pháp phát triển du lịch Điện Biên đã được các doanh nghiệp đề xuất như: tập trung đầu tư và kiểm soát giá các dịch vụ du lịch (ăn, nghỉ, phương tiện vận chuyển); đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho du khách; tổ chức các roadshow giới thiệu sản phẩm du lịch của Điện Biên; cung cấp nhiều hơn thông tin du lịch Điện Biên cho các doanh nghiệp lữ hành để bán tour cho khách; xây dựng các trạm dừng chân và nhà vệ sinh đạt chuẩn; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chất lượng, chuyên nghiệp...
Một chiến lược phát triển lâu dài cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành sẽ góp phần từng bước đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc và trọng điểm trong hệ thống du lịch quốc gia.
Thực hiện: Phạm Phương – Anh Dũng