Khai mạc Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam
Cập nhật: 10/03/2014
Tối ngày 05/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức khai mạc Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam. Đây là hoạt động mở màn chuỗi các chương trình Festival Ấn Độ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 5 đến 15/3/2014.

Tham dự khai mạc lễ hội có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Ấn Độ Ra-vin-dra Singh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam bà Pree-ti Sa ran, đại diện Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh, Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ: “Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam” được tổ chức là một minh chứng sinh động về giao lưu văn hoá giữa Việt Nam - Ấn Độ. Thông qua chương trình này, khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của đất nước Ấn Độ anh em, đại diện cho các vùng miền của Ấn Độ, trong đó có nhiều bài hát, điệu múa đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đây là sự kiện văn hoá có ý nghĩa, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ.

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ, mở đầu cho Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam. Với sự diễn xuất tài năng, khéo léo của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Ấn Độ, các đại biểu tham dự  có được những trải nghiệm về múa Ấn Độ với những sắc thái của các vùng khác nhau. Sáu loại hình múa đại diện cho nền văn hoá đa dạng được chọn để biểu diễn: Bharatanatyam của vùng đất Tamil Nadu (Nam Ấn); Kathak xuất xứ từ Bắc Ấn Độ; Odissi ra đời từ vùng Odisa miền Đông Ấn Độ; Múa Manipuri bắt nguồn từ bang Đông Bắc Ấn Độ; Kathakali từ vùng Kerala ở phía Nam Ấn Độ và Chhau điệu múa của một vùng rộng lớn trải dài các bang miền Đông Ấn Độ. Một đặc điểm xuyên suốt của các điệu múa này là bắt đầu bằng sự gợi mở và kết thúc bằng niềm hân hoan.

Lễ hội Văn hoá Ấn Độ sẽ kéo dài đến hết ngày 15/3 tại Hà Nội với các hoạt động: tiếp tục trình diễn múa cổ điển tại các Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Lễ hội ẩm thực và vẽ nghệ thuật trên da (Henna) tại khách sạn Sheraton; Trung tâm Văn hoá ẩm thực Aquaria; hướng dẫn giới thiệu về Yoga… Các nội dung trên cũng sẽ được giới thiệu tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có Lễ hội Phật giáo gồm: Hình đồ Mạn Đà Là bằng cát; Điêu khắc Phật giáo bằng bột; Múa thần linh, Tụng Kinh Lạt Ma tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh từ ngày 11-15/3.

CINET