Những năm gần đây, cứ 4 du khách đến Đà Lạt, thì có 1 du khách tìm đường đến với Lạc Dương. Không phải đơn thuần chỉ bởi sức quyến rũ của khu du lịch (KDL) Thung lũng Vàng, sự hùng vĩ của Lang Biang huyền thoại, nét hoang dã của KDL Làng Cù Lần, vẻ đẹp của rừng nguyên sinh Bidoup Núi Bà; mà sức hút kỳ lạ đó còn được làm nên bởi văn hóa bản địa của một vùng địa nhân văn giàu bản sắc của đồng bào K’Ho (Cill, Lạch) đang sinh sống dưới chân núi Lang Biang. Họ là những chủ nhân đã làm nên di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.
|
Với hơn 75% là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống, người Cil, người Lạch ở Lạc Dương vẫn giữ nguyên một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, đó là một không gian văn hóa với cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc, nhạc cụ, nghề thủ công (dệt thổ cẩm), ẩm thực (rượu cần). Bắt đầu từ năm 2000, ở các buôn làng quanh thị trấn Lạc Dương hình thành nên một vài nhóm cồng chiêng nhỏ tập hợp những nghệ nhân có tâm huyết với văn hóa dân tộc, mong muốn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của cha ông trước nguy cơ bị mai một. Vào thời gian này, du khách cũng tìm đến chân núi Lang Biang để tận mắt được ngắm nhìn dãy núi gắn liền với tình sử đẹp. Và âm điệu cồng chiêng của các nghệ nhân cao tuổi kia như mời gọi, níu chân du khách ở lại với Lạc Dương vào những đêm rực lửa dưới chân nhà sàn... Những người nghệ nhân được trả thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra để giới thiệu những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Cũng từ đó dần hình thành nên 12 đội nhóm cồng chiêng biểu diễn phục vụ du lịch như hiện nay. Khách đến Lạc Dương ngày một đông, năm 2011, Lạc Dương đón 800.000 lượt khách mang lại doanh thu 37 tỷ đồng; năm 2012 lượng du khách đến tham quan Lạc Dương khoảng 900.000 lượt, doanh thu ước đạt 41 tỷ đồng; năm 2013 lượng khách du lịch đến Lạc Dương đạt 1.029.428 lượt khách mang lại doanh thu 58,6 tỷ đồng, trong đó năm qua các nhóm cồng chiêng đã biểu diễn phục vụ khoảng hơn 230.000 lượt khách đem lại doanh thu 16 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 500 nghệ nhân. 100% thành viên trong các nhóm cồng chiêng là người dân tộc thiểu số gốc bản địa.
Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của các đội nhóm văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch đã góp phần đánh thức cả cộng đồng cùng vào cuộc gìn giữ bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt là lớp thanh thiếu niên - thế hệ bị cho rằng không đủ sức kế tục bản sắc văn hóa dân tộc vì thái độ thờ ơ biểu hiện trước đó. Để có được chương trình hay mang đậm bản sắc phục vụ du khách, các nghệ nhân của các nhóm cồng chiêng đã phải tích cực luyện tập, tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa mà đã bị mai một như: các điệu chiêng; các loại nhạc cụ truyền thống; dân ca, dân vũ truyền thống; trang phục dân tộc; ẩm thực; nghề truyền thống; các phong tục tập quán… Nhờ vậy các giá trị văn hóa đã được khôi phục lại và hồi sinh trong chính cộng đồng dân cư nơi đã sản sinh ra nó. Và từ đó cũng kéo theo sự phát triển mạnh các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần.
Hòa mình vào một tour du lịch, chúng ta đến với Lạc Dương vào một buổi chiều. Dạo bước thăm các làng dân tộc của người Lạch (Bon Đưng, Đăng Lèn, B’nớ, Păng tiêng)… ngắm nhìn những nếp nhà, xem những người phụ nữ cặm cụi tỉ mỉ bên khung dệt thổ cẩm. Đêm xuống cùng đốt lửa, hát ca, nhảy múa, nghe già làng gọi Yàng, nghe tiếng chiêng trầm hùng từ những đôi tay trần rắn chắc của các chàng trai, hòa cùng điệu múa của sơn nữ làm bước chân lữ khách dùng dằng chẳng muốn về. Chỉ với 6 tiếng đồng hồ cũng đủ để lại trong lòng du khách những ấn tượng đẹp về một vùng đất.
Không chỉ sinh hoạt đốt lửa phục vụ khách du lịch ngay tại buôn làng theo mô hình du lịch cộng đồng; mà tại các điểm du lịch trong huyện như: khu du lịch Lang Biang, làng du lịch Cù Lần, trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường VQG Bidoup Núi Bà… các giá trị văn hóa bản địa cũng được chính các cư dân bản địa giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Lạc Dương còn tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào tự hào, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, không bóp méo, làm “mới”, tự mình đánh mất mình. Đồng thời, tổ chức điều tra, nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian, phục dựng các lễ hội truyền thống; mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, đan, dệt thổ cẩm, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống B’Nớ C, lập danh sách những hộ làm rượu cần phục vụ du lịch để quản lý vệ sinh chất lượng; thành lập CLB văn hóa cồng chiêng để giúp các nhóm trao đổi về chuyên môn, động viên nhắc nhở nhau cùng chấp hành tốt các quy định, xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các nghệ nhân… Tất cả những nỗ lực đó, Lạc Dương mong muốn đem đến cho du khách một sản phẩm du lịch mang đúng giá trị bản sắc vốn có của tộc người mà du khách tìm đến với Lạc Dương, đến với không gian văn hóa cồng chiêng mong muốn được trải nghiệm, tìm hiểu.