Vườn Quốc gia Núi Chúa
Cập nhật: 03/07/2008
Vườn Quốc Gia Núi Chúa nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 40km.

Vườn Quốc gia Núi Chúa còn có tên khác là rừng khô Phan Rang được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Nơi đây còn được đánh giá là rừng khô hạn gần như nguyên vẹn duy nhất của Việt Nam và đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á. 

Để đến Vườn Quốc gia Núi Chúa, từ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, du khách xuôi theo hướng đông khoảng 5km là tới bãi biển Ninh Chữ (xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải); từ đây, tiếp tục đi theo tỉnh lộ 702 - con đường chạy dọc bờ biển, du khách sẽ đến Vịnh Vĩnh Hy - một phần của Vườn Quốc gia.

Với diện tích tự nhiên là 29.865ha, bao gồm: phần đất liền là 22.513ha, phần biển 7.352ha cùng một quần thể những trái núi nằm giáp biển, gọi chung là Núi Chúa; Vườn Quốc gia trông xa giống như một bức tranh thủy mặc, bởi sự kết hợp khá hài hòa giữa: núi, rừng và biển. Đến đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng một cảnh quan vô cùng độc đáo: Pha lẫn trong màu xanh của cây rừng, là những đụn cát, bãi đá trải dài hàng chục kilômét, những vách núi dựng đứng với các hình thù kỳ dị, những khối đá xếp chồng lên nhau..., xen lẫn trong đó là những thân cây khẳng khiu, trơ trọi phơi mình giữa thiên nhiên...; đã có ý kiến cho rằng: rừng Núi Chúa giống như rừng bonsai bởi thân cây ở đây nhiều hơn lá cây và rất nhiều cây có gai... Thật vậy, nơi đây có những trảng xương rồng mọc ra từ các khe đá, những cây chòi lòi, cây găng nhung, găng néo... như những bộ xương khô, vậy mà vẫn tồn tại, sống dai dẳng với thời gian. Đặc biệt, nơi đây có một vùng toàn mai, chủ yếu là loài hồng mai có màu đỏ nhạt. Loài cây này hút dưỡng chất từ lòng đất khô cằn, vào mùa xuân, hoa nở đỏ rực cả một góc núi, làm ngẩn ngơ bao khách lãng du.

Theo các nhà khoa học, tài nguyên sinh vật của Vườn quốc gia Núi Chúa không chỉ phong phú và đa dạng về thành phần sinh học mà còn mang nhiều yếu tố đặc hữu, quí hiếm có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và các nguồn lợi kinh tế, nhất là du lịch sinh thái.

Cụ thể: 

Hệ thực vật rừng có khoảng hơn 1.000 loài, bao gồm cây lấy gỗ như: cây kim giao, hoàng đàn giả, thông tre, thanh tùng, thông đỏ, me, gụ, bằng lăng...; cây làm dược liệu như: dáng hương, thiên tuế..., cây làm cảnh như: hồng mai, xương rồng, lan hài quý hiếm... cùng nhiều loài khác có thể làm thức ăn...

Hệ động vật rừng có khoảng 306 loài động vật có xương sống trong đó có nhiều loài được xếp là động vật quý hiếm như: chà vá chân đen, gấu ngựa, beo lửa, báo gấm, voọc ngũ sắc, rùa núi... và một số loài chim: cò thìa, diệc nâu, chim khách đuôi cờ, rồng đất...; trong đó có một số loài đã có tên trong sách đỏ thế giới.

Bên cạnh hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng như vậy, quần thể Núi Chúa tại Vườn Quốc gia còn bao gồm các ngọn núi có các độ cao khác nhau, trong đó, đỉnh Cô Tuy là cao nhất với độ cao 1.039m; ngoài ra, nằm ngay khu vực trung tâm Vườn Quốc gia còn có hai ngọn núi khác, đó là: Núi Chúa anh và Núi Chúa em với độ cao đều trên 1.000m; đã tạo nên sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn so với vùng ven biển - vùng nằm ngay giữa “sa mạc” Núi Chúa.

Ngoài sự phong phú của hệ sinh thái trên đất liền, Vườn Quốc gia Núi Chúa còn chứa đựng những tiềm năng to lớn trong việc bảo tồn rùa biển, san hô, cỏ biển và các tài nguyên sinh vật biển khác. 

Nếu có dịp đến với Vườn Quốc gia Núi Chúa, du khách sẽ vừa được ngắm nhìn phong cảnh núi rừng nơi đây vừa được đi tàu đáy kính tham quan, chiêm ngưỡng những rặng san hô cùng các loài thủy sinh khác ở Vịnh Vĩnh Hy và thưởng thức các loại hải sản ở đây.
Trung tâm Thông tin Du lịch, ảnh: Báo ảnh Việt Nam