Từ Hội thảo khoa học “Văn hóa và sự phát triển du lịch Tây Nguyên” tìm hướng đi đúng cho du lịch
Cập nhật: 26/03/2014
Hội thảo khoa học “Văn hóa và sự phát triển du lịch Tây Nguyên” vừa diễn ra tại Đà Lạt do Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức là một diễn đàn có ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt. 
 

Văn hóa - tài nguyên của Tây Nguyên

Hội thảo đã thu hút gần 50 đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên, các học giả, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học: ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên, ĐH Văn hóa TP. HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, lãnh đạo các Phòng Văn hóa - Thông tin, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên… tham dự.

Trong đề dẫn, GS.TS Lê Hồng Lý: Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa khái quát những nét đặc trưng vốn quý và rất riêng của Tây Nguyên hội tụ đủ các yếu tố ghi đậm “dấu ấn văn hóa” của các tộc người sống trên vùng đất Tây Nguyên bao đời nay, gồm: các di sản thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể và các di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nguồn lực dồi dào nhất của văn hóa Tây Nguyên. Nói cách khác, người dân Tây Nguyên sinh tồn dựa vào “ba điểm tựa”, đó là: tự nhiên, cộng đồng và ngưỡng hành vi. Trong đó, về tự nhiên gồm các yếu tố như: đất, rừng, nước, cây cỏ và muông thú. GS. TS Lê Hồng Lý phân tích: “Phải khẳng định một điều rằng, tiềm năng văn hóa như một loại “bột” mà nhờ có nó mới “gột” nên cái “hồ” là các sản phẩm du lịch…”.

Các nhà khoa học nói gì?

Trong hơn 4 giờ đồng hồ của Hội thảo đã có 15 tham luận được trình bày và rất nhiều ý kiến tham gia phát biểu.

Nhà văn Nguyên Ngọc, một người khá gắn bó với Tây Nguyên mở đầu các tham luận với bài viết “Du lịch có thể làm gì cho Tây Nguyên ngày nay?”. Theo ông, do tình trạng di cư từ các tỉnh, thành trong cả nước về Tây Nguyên đã làm thay đổi cơ cấu dân số và “pha tạp” giữa cộng đồng các dân tộc; cùng với nó là tình trạng rừng bị tàn phá; đối với Tây Nguyên, rừng là tài sản. Người Tây Nguyên có một mối quan hệ đặc biệt với rừng. Giữa “rừng” và “làng”; giữa rừng với văn hóa - mối quan hệ hài hòa này ngày càng bị mai một… Do đó, cần phải phục hồi những yếu tố cơ bản và là nền tảng để phát triển du lịch Tây Nguyên.

TS. Buôn Krông Tuyết Nhung, người dân tộc Ê Đê - giảng viên trường ĐH Tây Nguyên đã dẫn chứng một số biến đổi trong quan hệ xã hội của các tộc người (giữa các dân tộc bản địa lâu đời với các dân tộc khác nhập cư); sự thay đổi những điều mà trước đây đối với dân tộc bản địa là linh thiêng trong tâm thức truyền thống như: rừng thiêng, đất làng, đất sản xuất, nhà mồ, nguồn nước, hệ thống các quy tắc ứng xử… đã tác động đến biến đổi văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

TS. Hoàng Cầm (Viện Nghiên cứu văn hóa) đã phân tích, trước nay giữa văn hóa và du lịch chưa tìm được “tiếng nói chung”, chưa có mối quan hệ thực sự và tác động tương hỗ lẫn nhau; thậm chí còn mâu thuẫn nhau. TS. Hoàng Cầm cũng cho rằng không gian văn hóa các dân tộc Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp dần, hay bị “sân khấu hóa” để phục vụ du lịch, nhằm thu hút khách du lịch vì mục đích kinh tế…

Nhiều vấn đề đặt ra và được trao đổi xung quanh Hội thảo là làm sao khôi phục những giá trị văn hóa xưa nay đã trở thành bản sắc độc đáo của từng dân tộc ở Tây Nguyên dần dần bị mai một, hoặc biến mất; bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; tìm hướng đi đúng cho du lịch Tây Nguyên; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên, các di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc tại Tây Nguyên để phục vụ du lịch và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa Tây Nguyên…

Kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo lần này và chủ đề Hội thảo đã đề cập; thống nhất ý kiến của đại biểu và khẳng định: Du lịch Tây Nguyên phải là du lịch văn hóa, bởi văn hóa là di sản vốn quý của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; khai thác những đặc trưng của văn hóa để phát triển du lịch và thông qua du lịch để giới thiệu, quảng bá văn hóa. Mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa và du lịch là hai yếu tố không thể tách rời… 

Chính Phủ