Ninh Bình tăng cường quản lý hoạt động du lịch tại khu Quần thể danh thắng Tràng An
Cập nhật: 26/03/2014
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích khoảng 12.000ha, là tổ hợp của các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: khu du lịch sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu tâm linh núi - chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Mỗi khu, điểm du lịch ở đây có những thế mạnh, sản phẩm du lịch riêng, do đó đã có sức hút rất lớn đối với khách du lịch trong thời gian qua.
 

Các khu, điểm du lịch đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người dân tham gia các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, thương mại trong không gian của khu Quần thể danh thắng Tràng An. Tuy nhiên, có thể thấy các hoạt động này chưa thực sự đi vào nề nếp, vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An với chính quyền địa phương.

Những thay đổi tích cực

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng du lịch trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An luôn được đầu tư. Nhiều dự án, công trình văn hóa phục vụ mục đích du lịch được triển khai. Hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ kết nối các tuyến điểm du lịch được đảm bảo. Các bãi đỗ xe được mở rộng và nâng cấp, các phương tiện vận chuyển khách đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch. Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được duy trì thường xuyên. Hệ thống các nhà hàng, khách sạn đã dần đi vào ổn định. Văn hóa du lịch và ứng xử giao tiếp của những người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại đây cũng đã có nhiều thay đổi tích cực.

Ông Nguyễn Cao Tấn, phó giám đốc ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: ban quản lý luôn xác định công tác quản lý về hoạt động du lịch trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp làm du lịch để đảm bảo tốt các hoạt động du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An.

Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các khu, điểm du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các chuyên gia ở các Viện nghiên cứu và trường đại học triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa du lịch, phục vụ khách tham quan tận tình, chu đáo, hướng tới tính chuyên nghiệp.

Đặc biệt là người dân ở các khu, điểm du lịch trọng điểm đã nhận thức được tiềm năng, thế mạnh và lợi ích của du lịch trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Việc thực hiện các nội quy, quy định về nếp sống văn minh du lịch luôn có sự kiểm tra, giám sát, do đó tình trạng người dân làm dịch vụ chèo kéo khách để bán hàng, xin tiền, thợ ảnh tự ý chụp ảnh cho khách, xe ôm tùy tiện đưa khách vào trong phạm vi quản lý của các khu du lịch về cơ bản đã được chấn chỉnh và xử lý.

Một số nơi trước đây là “điểm nóng” trong quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch như khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, đến nay đã có chuyển biến nhất định, khu vực bán hàng lưu niệm đã được quy hoạch tập trung khang trang và sạch đẹp. Tại khu du lịch tâm linh núi - chùa Bái Đính, bãi xe đã được vận hành linh hoạt, có hiệu quả, không còn hiện tượng ùn tắc cục bộ trong những ngày cao điểm. Các hiện tượng người ăn mày, ăn xin, bán hàng tự phát, gây phiền hà cho du khách cơ bản được kiểm soát.

Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước

Mặc dù du khách đến với các khu, điểm du lịch trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự mãn nhãn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm linh và cơ bản hài lòng về công tác quản lý du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, tại các khu, điểm này vào mùa cao điểm vẫn còn xảy ra tình trạng lộn xộn, một số hoạt động dịch vụ chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng, nhu cầu của du khách. Tại các khu, điểm du lịch vẫn còn hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, chụp ảnh và công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được đảm bảo, rác thải vẫn chưa được thu gom kịp thời. Việc ứng xử văn hóa, văn minh trong khu du lịch có lúc còn chưa làm hài lòng du khách. Nguyên nhân do ý thức của người dân còn hạn chế, việc đôn đốc, giám sát của các doanh nghiệp chủ quản chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các nhân viên điều hành tại các điểm du lịch chưa theo kịp yêu cầu. Công tác phối hợp, quản lý các hoạt động du lịch còn một số bất cập, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các tuyến, điểm du lịch trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An chưa thực sự thuận lợi cho các du khách tham quan du lịch. Các hoạt động du lịch tự phát gây khó khăn trong công tác quản lý.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Nguyễn Cao Tấn thì thời gian tới các ngành, các cấp cần phối hợp để mở thêm nhiều các lớp trang bị kiến thức du lịch cộng đồng. Qua đó nâng cao kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, những hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và các giá trị cảnh quan. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp quản lý du lịch trên địa bàn cũng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người tham gia các dịch vụ du lịch, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và các doanh nghiệp để cùng xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Muốn đạt được mục tiêu này thì trước hết cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động du lịch.

Việc thành lập các hội nghề nghiệp cũng sẽ giúp những người tham gia hoạt động du lịch tại đây chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn.

Về phía các cơ quan chức năng quản lý về du lịch cũng cần nêu cao hơn nữa vai trò của mình trong việc thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các hiện tượng ép giá, chèo kéo khách du lịch của những người làm dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Báo Ninh Bình