Quảng bá du lịch Đắk Lắk cần đi trước một bước
Cập nhật: 31/03/2014
Với lợi thế bề dày văn hóa và có địa hình phong phú, Đắk Lắk có khá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, vì rất nhiều nguyên nhân, du lịch Đắk Lắk chưa phát triển xứng với tiềm năng, trong đó có nguyên nhân của sự thiếu quan tâm tới việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh.
 

Theo thống kê, Đắk Lắk có khoảng trên 20 điểm du lịch cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể có thể khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, du lịch văn hóa ở Đắk Lắk còn chậm phát triển. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch của Đắk Lắk tăng khoảng 10 đến 12%/năm song số du khách đến Đắk Lắk lại rất thấp. Trong năm 2013, toàn tỉnh đón khoảng 410.000 lượt khách du lịch, đạt 88,17% kế hoạch và tăng 26,15% so với năm 2012. Tuy nhiên nguồn khách này phần lớn là khách công vụ. Một trong nững nguyên nhân của việc chậm phát triển du lịch của Đắk Lắk có thể nói một phần là do việc đầu tư cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch còn rất hạn chế. Quảng bá, xúc tiến du lịch có thể được hiểu là những hoạt động giới thiệu, tiếp thị các điều kiện, tiềm năng đến nhà đầu tư; tiếp thị các sản phẩm du lịch đến với du khách nhằm thu hút vốn đầu tư cũng như thu hút khách đến du lịch. Để biết đến một địa danh, một vùng đất, một dân tộc, ngoài những thông tin qua lịch sử văn hóa, địa lý, kinh tế… còn có một cách tiếp cận luôn tạo nên những ấn tượng khó quên đó là qua du lịch. Một trong những yếu tố giúp du khách tiếp cận và giới thiệu nhanh nhất các giá trị đó là các hình thức thông tin, quảng bá. Đó là những thông tin được giới thiệu trên hệ thống truyền thông đại chúng, hệ thống Internet và các hình thức khác.

Trước đây công tác tuyên truyền quảng bá du lịch hầu như chỉ được thực hiện bởi báo Đắk Lắk  và đài PTTH tỉnh nhưng thời lượng tuyên truyền khá thưa thớt. Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh diễn ra Hội Voi và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Đây là một trong những hoạt động chính của du lịch Đắk Lắk trong Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2014, thế nhưng trên Website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cổng thông tin quan trọng về du lịch của tỉnh) chỉ có duy nhất một baner giới thiệu. Đã vậy khi vào baner này để tìm hiểu về Lễ hội thì nội dung chỉ là giới thiệu sơ lược thời gian, địa điểm và những hoạt động trong lễ hội này. Trong khi đó, nếu vào trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa “Hội Voi Buôn Đôn 2014”, có thể thấy kết quả hiển thị về nội dung này trước ngày 12/3 là rất ít. Những thông tin về Hội Voi Buôn Đôn 2014 chủ yếu xuất hiện ở báo Đắk Lắk và một số Website của các công ty du lịch – lữ hành. Nên nhớ rằng du lịch Đắk Lắk với địa danh Buôn Đôn thực sự là một thương hiệu mạnh, nhưng những “biểu hiện” trên cho thấy công tác quảng bá cho du lịch Đắk Lắk đang “yếu” như thế nào. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuấn, Vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTT&DL tại miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ: công tác tổ chức lễ hội năm nay đã được UBND tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Buôn Đôn nói riêng chuẩn bị rất tốt, chỉ tiếc một điều là công tác quảng bá chưa được tốt cho nên khách du lịch trong và ngoài nước đến chưa được nhiều. Do đó trong thời gian tới, địa phương nên tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng từ đó tạo sức hấp dẫn đến du khách và thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay nhu cầu tìm hiểu thông tin của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Vì vậy ngành du lịch cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế về vùng đất, con người, những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu, những quan điểm, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động du lịch, hệ thống hạ tầng, dịch vụ du lịch trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi có nhu cầu tìm hiểu và tham quan du lịch tại Đắk Lắk.

Theo mục tiêu của Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015 do UBND tỉnh ban hành, trong giai đoạn 2012-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,82%/năm; năm 2015, tỷ trọng của du lịch trong GDP của tỉnh đạt 1,13%. Tổng doanh thu du lịch (chưa kể thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch) giai đoạn 2012-2015 là 1.360 tỷ đồng, năm 2015 đạt 420 tỷ đồng; nguồn khách đón tiếp giai đoạn 2012-2015 từ 1,9 đến 2,0 triệu lượt, năm 2015 đón 560.000 lượt khách, trong đó có 54.000 lượt khách quốc tế. Mục tiêu đã rõ, nhưng với để thực hiện được mục tiêu này thì công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần được xem trong đúng mức và sớm có giải pháp thực hiện.

Báo Đắk Lắk