Ngày 7/7/2008, lần đầu tiên, hội thảo khoa học "Không gian văn hóa vùng đất Tổ Hùng Vương" được tổ chức, chuẩn bị cho việc đề nghị UNESCO công nhận không gian văn hoá này là di sản văn hóa thế giới.
Hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý đã nêu lên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của không gian văn hóa vùng đất Tổ Hùng Vương trải rộng từ thành phố Việt Trì đến các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và Hạ Hòa.
Các tham luận cũng nêu rõ sự cần thiết xây dựng hồ sơ không gian văn hóa vùng đất Tổ Hùng Vương đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Khu di tích đền Hùng và các di chỉ khảo cổ đã được khai quật ở các vùng phụ cận được đánh giá là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam cần được bảo vệ ở tầm quốc tế. Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương đã được tôn vinh là Quốc giỗ thể hiện lòng thành kính của người Việt đối với tổ tiên, một nét đẹp nổi bật của văn hóa Việt Nam.
Các di chỉ khảo cổ học có niên đại nối tiếp nhau liên tục đủ 4 giai đoạn phát triển từ thời đại đồng thau đến sắt sớm, đại diện văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun và Đông Sơn bên cạnh những làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo đã làm nên một Phú Thọ giàu có về văn hóa vật thể và phi vật thể.