Nhằm quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long, khai thác bền vững tiềm năng du lịch theo hướng đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân làng chài trên Vịnh Hạ Long, mới đây Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã trình UBND tỉnh đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020.
Khách du lịch chèo thuyền nan tham quan làng chài Vung Viêng.
Theo nội dung của đề án, bốn trong 7 làng chài đã được UBND tỉnh quy hoạch trước đây là làng chài Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong đã được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hoá của từng làng chài. Theo đó mỗi làng chài sẽ gắn với một mô hình phát triển du lịch riêng: Làng chài Ba Hang - mô hình làng chài gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, trải nghiệm trồng rừng; chèo đò đưa đón khách tham quan; cho thuê kayak; bán hàng lưu niệm. Làng chài Hoa Cương - mô hình làng chài nuôi cá lồng bè, chợ hải sản; giới thiệu kỹ thuật nuôi trồng hải sản; cung cấp vật tư nuôi trồng hải sản; dịch vụ ăn uống.
Khách du lịch tham quan khu bán đồ lưu niệm tại làng chài Vông Viêng.
Làng chài Cửa Vạn - mô hình làng chài tự quản gắn với Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn; khám phá không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hoá làng chài; dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan làng chài, tham quan hệ sinh thái rừng, hệ thống tùng áng của Vịnh Hạ Long; leo núi, xem động vật trên núi (khỉ). Làng chài Vông Viêng - mô hình làng chài tự quản, đánh bắt hải sản bằng công cụ truyền thống, trải nghiệm cuộc sống ngư dân; dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan làng chài; tham quan nuôi trồng hải sản đặc biệt (nuôi trai lấy ngọc), bán đồ trang sức ngọc trai; giới thiệu du khách các nghề truyền thống và ngư cụ truyền thống; du lịch trải nghiệm “Đánh cá cùng ngư dân”. Và khu tái định cư mới Cái Xà Cong (khu ngư dân từ Vịnh Hạ Long định cư trên bờ) gắn với mô hình tham quan làng chài tái định cư; dịch vụ bán hải sản, đồ lưu niệm, thủ công; thưởng thức ẩm thực làng chài, duy trì các hoạt động đánh bắt, nuôi hải sản để hỗ trợ và gắn với dịch vụ du lịch bền vững... Cùng với các sản phẩm du lịch đặc trưng đó, đề án cũng đề xuất xây dựng một số tour, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long gắn với phát triển sản phẩm du lịch làng chài.
Thực tế, hiện nay trừ khu tái định cư mới Cái Xà Cong, các làng chài Ba Hang, Cửa Vạn, Vung Viêng đều là những làng chài đẹp, điểm du lịch nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long đã được đưa vào khai thác du lịch. Đặc biệt, trong đó có làng chài Cửa Vạn được đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới theo bình chọn của website du lịch Journeyetc.com với 3 yếu tố cổ kính, vẻ đẹp duyên dáng và lưu giữ được nét văn hoá truyền thống đặc trưng. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan các làng chài liên tục tăng. Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nếu như năm 2012, làng chài Ba Hang mới đón được hơn 44 nghìn lượt khách thì đến năm 2013 đã đón được gần 122 nghìn lượt; làng chài Cửa Vạn năm 2012 đón được hơn 27 nghìn lượt, năm 2013 đón được hơn 37 nghìn lượt; Vông Viêng năm 2012 đón gần 64 nghìn lượt, năm 2013 đón trên 91.500 lượt khách... Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc khai thác du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của các làng chài. Hoạt động du lịch còn manh mún nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, thu hút được các đối tượng du khách. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại các làng chài chưa được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư đúng mức như: Điện, nước, y tế, nguồn nhân lực phục vụ du lịch...
Chính vì vậy, việc xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020 là thực sự cần thiết. Bởi lẽ, không chỉ bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của các làng chài, phát huy các giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách mà trước mắt duy trì củng cố được việc phát triển các sản phẩm du lịch làng chài sau khi hoàn thành Đề án Di dời nhà bè lên bờ, không làm mất đi sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Hạ Long. Đồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân sau khi tái định cư. Ngư dân được định cư trên bờ vẫn là chủ thể các hoạt động làng chài của mình. Hàng ngày ngư dân từ khu làng chài trên bờ tới làng chài trên Vịnh Hạ Long với tư cách là ngư dân làm du lịch, sản xuất gắn với hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài, đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên Vịnh Hạ long với việc phát triển du lịch. Được biết, hiện nay phần lớn cộng đồng ngư dân tại các làng chài đều có nguyện vọng muốn được chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt, nuôi trồng hải sản sang phục vụ du lịch.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, để thực hiện Đề án này, giải pháp trước mắt là tiếp tục duy trì hoạt động chèo đò của HTX Vạn Chài tại làng chài Ba Hang, Cửa Vạn, Vung Viêng phục vụ khách tham quan trên cơ sở Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ chủ trì, rà soát, kiểm tra và thống nhất quản lý, sử dụng số lao động, phương tiện hiện có để tổ chức chèo đò; đưa đón lao động từ khu tái định cư đến 3 làng chài trên; đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động và du khách; cam kết không phát sinh các nhà bè, không còn trường hợp nghỉ đêm tại các nhà bè. Đồng thời sử dụng giữ lại một số nhà bè làm mô hình... Về giải pháp lâu dài sẽ đầu tư, phục dựng, bảo tồn các làng chài, tăng cường đón khách tham quan theo phương thức, cơ chế quản lý: Nhà nước định hướng, quản lý, giám sát, kiểm tra; doanh nghiệp đầu tư khai thác, cộng đồng triển khai thực hiện.
Hy vọng, với giải pháp này, đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020 sẽ tạo thêm được nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách trên Vịnh Hạ Long. Cũng như góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá bản địa, giảm tải được lượng khách đang tập trung tại một số điểm trên Vịnh Hạ Long; kết nối được khu tái định cư với các điểm làng chài phục dựng, bảo tồn trên Vịnh Hạ Long, tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch để cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống và qua đó hạn chế các tác động của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững.