An Giang: đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Cập nhật: 23/04/2014
(TITC) - Là tỉnh biên giới giáp Campuchia, nơi dòng sông Mê Kông đổ vào nước ta chia thành 2 nhánh sông Hậu và sông Tiền, An Giang có đặc điểm địa hình khác biệt với các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long là vừa có vùng đồng bằng phù sa vừa có dãy núi Thất Sơn trải dài, hình thành nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc.

Bên cạnh đó, An Giang còn chứa đựng nét văn hóa đa dạng của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa cùng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật khác.

Nhằm khai thác tối ưu tiềm năng du lịch sẵn có, tạo bước đột phá phát triển du lịch toàn diện cũng như phấn đấu trở thành trung tâm du lịch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Kế hoạch bao gồm 6 nội dung chính: tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch; phát triển du lịch đồng bộ với các ngành kinh tế khác; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có, trong đó tập trung phát triển ba loại hình du lịch đặc trưng là du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử.

Đối với loại hình du lịch vui chơi giải trí, An Giang sẽ đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí tổng hợp (TP. Châu Đốc), khu du lịch núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), khu du lịch lòng hồ - núi Sập (huyện Thoại Sơn), khu du lịch núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), trong đó tiêu điểm là việc tổ chức lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ tại khu du lịch núi Sam với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống hấp dẫn như: đi bộ đồng hành, đua bò, thi leo núi, thi việt dã…

Để đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái, An Giang cũng tập trung phát triển khu rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) và khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (các xã Nhơn Hội, Quốc Thái, Khánh Bình, huyện An Phú). Tại rừng tràm Trà Sư, các dịch vụ du lịch phù hợp với môi trường cảnh quan sẽ được tổ chức như: tham quan rừng tràm Trà Sư bằng xuồng ba lá, tắc ráng; dỡ chà bắt cá; chế biến các món ăn dân dã… Tỉnh cũng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ vòng quanh khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên, xây dựng cầu tàu phục vụ giải trí bơi thuyền, thiết lập câu lạc bộ bơi thuyền truyền thống và tổ chức các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, lướt ván...

Các di tích văn hóa, lịch sử cũng được tỉnh đưa vào khai thác để phục vụ du khách như: di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) gắn với hoạt động tham quan, nghiên cứu khảo cổ về văn hóa Óc Eo; di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) gắn với các hoạt động tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tham gia các hình thức du lịch cộng đồng, sinh thái, nghe đờn ca tài tử... Riêng tại cụm di tích nhà thờ Cù Lao Giêng, tu viện dòng Chúa Quan Phòng, thành Hoa Tự, đình Tấn Mỹ, chùa Ông Đạo Nằm, phủ thờ Nguyễn Tộc và khu mộ Ba Quan Thượng Đẳng thuộc 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới), ngoài việc tổ chức cho du khách tham quan các di tích, hình thành và triển khai các sản phẩm du lịch đặc thù của từng xã, tỉnh còn xây dựng cầu tàu đón khách du lịch đường sông tại xã Tấn Mỹ nhằm tạo cơ sở hạ tầng giao thông đi lại thuận tiện…

Với việc đề ra kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, An Giang đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ đó xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch An Giang. Cụ thể, tỉnh phấn đấu đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch vào năm 2015, hơn 6,8 triệu lượt khách vào năm 2020, tỷ trọng ngành du lịch (năm 2020) chiếm 8% GDP của tỉnh.

 

Thanh Hải