Đắk Lắk là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử, danh thắng khá nhiều và được phân bố hầu khắp các huyện, thị và thành phố. Dưới góc nhìn du lịch, đây được coi là “mỏ vàng” để ngành “công nghiệp không khói” khai thác và phát triển…
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ năm 2015 - 2020, du lịch Đắk Lắk được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần được khơi dậy và phát triển một cách xứng đáng với tiềm năng. Để thực hiện được kỳ vọng ấy, ngành kinh tế này phải đặt vấn đề bảo tồn, phát huy vốn văn hóa đặc trưng và độc đáo của các cộng đồng người bản địa lên hàng đầu, để qua đó không những gìn giữ được môi trường nhân văn - lịch sử vốn có, mà đồng thời còn khai thác tốt các di tích lịch sử và danh thắng có giá trị đã được nhà nước xếp hạng trong thời gian qua cũng như sắp tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VHTTDL Đắk Lắk, hiện các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn chưa được các doanh nghiệp làm du lịch quan tâm đầu tư, tôn tạo nhằm thu hút du khách. Trong số 20/57 di tích lịch sử, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, mới chỉ có 5 - 6 địa chỉ được du khách biết tới như “điểm đến” khi đặt chân lên Đắk Lắk. Có thể nói, đây là một trong những hạn chế chậm được khắc phục trong việc liên kết, hợp tác giữa hai ngành văn hóa và du lịch để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và khám phá của du khách. Không nói đâu xa, ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, những di tích lịch sử như Biệt điện Bảo Đại, nhà đày, đình Lạc Giao… lượng du khách đến đây tham quan có xu hướng ngày càng giảm. Bà H’Nga Byă - trưởng phòng khai thác Di tích (Trung tâm Quản lý Di tích tỉnh) cho rằng: ngoài khó khăn chung như cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chất lượng của di tích chưa được đầu tư, tôn tạo đúng mức do thiếu kinh phí, thì vấn đề kết nối của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh chưa được chia sẻ, quan tâm thiết thực. Điều đó không những khiến thời gian lưu trú của du khách khi đến Buôn Ma Thuột đạt thấp, dẫn đến doanh thu giảm, mà còn làm cho mục tiêu liên kết để phát triển theo chuỗi gia tăng giá trị “văn hóa là tài nguyên của du lịch và ngược lại du lịch là cánh cửa mở ra cơ hội giao lưu, hội nhập văn hóa” trở nên đơn điệu, nhạt nhòa.
Theo ông Y Ben Byă - giám đốc Trung tâm quản lý Di tích tỉnh, so với cả nước, số lượng và mật độ phân bố di tích ở đây không cao như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trung bình 2,2 di tích/100km2), nhưng so với khu vực Tây Nguyên thì Đắk Lắk là tỉnh thứ hai (sau Lâm Đồng) được xếp vào hạng có mật độ di tích lịch sử và thắng cảnh đáng kể nhất - và đó chính là nền tảng để ngành du lịch tổ chức khai thác, phát triển một cách bền vững, hài hòa. Ngoài các di tích lịch sử, danh thắng đáng kể ấy, Đắk Lắk còn sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, gắn bó mật thiết với tập quán sinh hoạt, lao động truyền thống của đồng bào các tộc người bản địa cũng là yếu tố quan trọng, bảo đảm cho ngành du lịch phát triển. Trong đó tiêu biểu là các lễ nghi nông nghiệp, lễ hội văn hóa cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng ở Buôn Đôn và nhiều vùng khác. Ông Y Ben kỳ vọng thêm: Đắk Lắk còn là nơi có các nghề thủ công truyền thống, có giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch hết sức lớn lao. Ngoài các nghề dệt thổ cẩm, làm đồ mỹ nghệ... còn có thêm nghề tạc tượng nhà mồ vô cùng độc đáo của dân tộc Jarai, Êđê cư trú trên địa bàn phía Nam của tỉnh đang được khôi phục, bảo tồn sẽ đem lại cho ngành kinh tế du lịch địa phương cơ hội mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà các giá trị truyền thống đang trong tình trạng bị mai một bởi sự lấn lướt của đời sống hiện đại,văn minh.
Thời gian gần đây, ngành du lịch thực sự ý thức rõ vai trò của văn hóa trong kinh doanh du lịch, bởi lẽ văn hóa chính là đòn bẩy để du lịch phát triển. Hiện tại và trong tương lai, du khách đến Đắk Lắk không chỉ để tham quan, thăm thú giải trí... mà cái họ cần là khám phá, tìm hiểu nét đặc thù của văn hóa bản địa. Theo đó, ngành văn hóa cũng đã nhận thấy rõ du lịch chính là “kênh” thông tin để chuyển tải các giá trị văn hóa đặc sắc của mình đến với mọi người một cách hữu hiệu. Vì vậy thời gian qua, ngành văn hóa đã phối hợp với ngành du lịch tiến hành điều tra, khảo sát và phân loại các di tích lịch sử, danh thắng trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mang tính đột phá trong cơ cấu nền kinh tế Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020: du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng góp phần tạo động lực phát triển cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo. Và như vậy, sự “bắt tay” giữa hai ngành văn hóa - du lịch hiện nay, khi mà các yếu tố văn hóa thấm đẫm trong các hoạt động du lịch và ngược lại, sản phẩm du lịch hình thành từ các hoạt động văn hóa là điều cần được quan tâm, gắn kết hơn.