(TITC) - Nằm cách trung tâm Hà Nội 60km về phía tây, huyện Ba Vì có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, đồng quê, cộng đồng và văn hoá. Để tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch, trong những năm qua, Ba Vì đã tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa truyền thống theo hướng bền vững.
Tiềm năng du lịch
Ba Vì là nơi có khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình và được xem như lá phổi xanh ở phía tây của Thủ đô. Vùng núi Ba Vì có nhiều ngọn núi cao như: Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Trăm Voi…, trong đó cao nhất là ngọn Tản Viên Sơn (1.281m) có hình dáng gần đỉnh thắt lại, trên đỉnh xòe ra như chiếc ô. Đan xen khung cảnh núi non hùng vĩ là những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt với quần thể động, thực vật phong phú; những dòng suối, thác nước hay những cánh đồng thẳng cánh cò bay tạo nên quần thể núi, rừng, suối, thác, đồng bằng nằm quây quần bên dòng Đà Giang thơ mộng. Hiện vùng núi Ba Vì đã được quy hoạch xây dựng thành nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc trưng vùng miền như: Khu du lịch và vườn quốc gia Ba Vì, điểm du lịch tham quan trang trại bò sữa (xã Tản Lĩnh); khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, khu du lịch Long Việt, điểm du lịch trang trại đồng quê (xã Vân Hòa); khu du lịch Đầm Long, điểm du lịch rừng cò Ngọc Nhị (xã Cẩm Lĩnh); điểm du lịch tắm khoáng nóng (xã Thuần Mỹ); làng thảo dược người Dao (xã Ba Vì); điểm du lịch tham quan đồi chè (các xã Khánh Thượng, Ba Trại, Tản Lĩnh, Minh Quang) có diện tích trên 2.000ha…
|
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là quần thể 3 đền Hạ, Trung, Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên (Sơn Tinh); khu di tích lịch sử K9… Khu vực này cũng là nơi sinh sống của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc.
Không những thế, Ba Vì còn có hệ thống giao thông thuận tiện, nối với trung tâm Hà Nội qua Đại lộ Thăng Long và quốc lộ 21A; quốc lộ 32 nối thị trấn Tây Đằng với thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và đi các tỉnh vùng Tây Bắc.
Những hoạt động đã triển khai để phát triển du lịch Ba Vì
Nắm bắt được thế mạnh du lịch, thời gian qua, huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch đồng bộ và đã đạt được những thành quả đáng kể. Huyện đã tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Ba Vì; khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện chủ động đầu tư kinh phí để quảng bá du lịch thông qua các cơ quan thông tấn báo chí; kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch Ba Vì; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức đào tạo các lớp nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch cho người dân các xã Ba Vì, Ba Trại và Thuần Mỹ; phối hợp với Trung tâm Môi trường và phát triển cộng đồng trực thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam tổ chức thực hiện dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và cộng đồng” nhằm giúp người dân nhận thức rõ lợi ích mà du lịch mang lại, từ đó có ý thức bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch, giữ gìn môi trường sinh thái… Bên cạnh đó, nhằm tạo thương hiệu cho du lịch Ba Vì, huyện cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký, thực hiện niêm yết giá, lệ phí đúng theo quy định đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Ba Vì đã trở thành một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô Hà Nội. Năm 2013, Ba Vì đã đón 2,3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 210 tỷ đồng. Du lịch Ba Vì tăng trưởng ổn định đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại chỗ và thu hút hơn 3.000 lao động địa phương và các vùng lân cận trong mùa du lịch, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.
Phát triển du lịch Ba Vì theo hướng đổi mới và thân thiện
Du lịch Ba Vì có mức tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn những tồn tại nhất định: các điểm du lịch còn phân tán; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện chưa có sự liên kết chặt chẽ; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa sâu rộng; nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch còn ít…
Để khắc phục những tồn tại, hướng đến phát triển du lịch thân thiện, bền vững, huyện Ba Vì sẽ thực hiện chính sách đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc huyện tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, cải thiện môi trường du lịch; chủ động xây dựng các dự án đầu tư kết nối hạ tầng trong các vùng du lịch theo hướng hiện đại, thuận tiện; hình thành các tuyến du lịch đa dạng để có thể khai thác tối đa những lợi thế du lịch hiện có; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng vừa hiện đại vừa bảo tồn giá trị văn hóa vùng núi Tản, sông Đà. Trước mắt, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể dục thể thao và làng nghề; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng nhằm thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao; hoàn thành lập quy hoạch chi tiết khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì; xúc tiến triển khai xây dựng dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên Sơn – Hồ Suối Hai, khu du lịch nước khoáng nóng Thuần Mỹ, Hồ Cẩm Quỳ…
Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, du lịch Ba Vì hy vọng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014 là thu hút 2,4 triệu lượt khách, tạo việc làm ổn định cho 1.500 lao động, tổng thu du lịch đạt 220 tỷ đồng.
Thanh Hải