Công bố Quy hoạch du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc
Cập nhật: 13/05/2014
Chiều 10/5/2014, tại TP. Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. 
 

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 11 tỉnh, thành phố: Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 4 nội dung trọng tâm: phát triển du lịch vùng theo hướng tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương và của vùng; phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, trong đó du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn minh sông Hồng là nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác; kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển sản phẩm du lịch của vùng nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống gắn với văn minh sông Hồng; phát triển du lịch vùng tương xứng với vai trò trung tâm phát triển du lịch của cả nước, là đầu mối phân phối khách cho các vùng khác trong cả nước. Từ đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn thiện liên kết giữa các địa phương một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, hình thành thương hiệu du lịch riêng của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.

Theo đó, du lịch vùng được chia thành 3 tiểu vùng với những sản phẩm đặc trưng riêng, 9 khu du lịch quốc gia, 2 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch địa phương làm hạt nhân liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Về phát triển thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, trong đó tập trung phát triển mạnh thị trường khách nội vùng nội địa và các vùng phụ cận. Phấn đấu đến năm 2030 toàn vùng thu hút 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế 3,2%/năm, nội địa 3,2%/năm; doanh thu đóng góp của du lịch vào GDP đạt 152 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,42 tỷ USD); giải quyết việc làm cho 1,3 triệu lao động.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã nêu một số vấn đề cần lưu ý trong thực hiện triển khai Quy hoạch như: sớm thành lập ban điều phối du lịch toàn vùng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng, chính sách phát triển du lịch; liên kết cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm du lịch; triển khai liên kết xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch toàn vùng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; trao đổi thông tin sản phẩm du lịch; hợp tác trong bảo vệ môi trường du lịch…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh việc ban hành quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để mỗi địa phương trong khu vực định hướng phát triển du lịch, tăng cường liên kết vùng, tạo ra sự khác biệt về sản phẩm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc với các vùng khác, đồng thời tạo ra sự khác biệt về sản phẩm du lịch của Việt Nam. Các địa phương trong vùng tăng cường phối, liên kết, phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh, tập trung nguồn lực, xây dựng thương hiệu, tạo bước phát triển mới cho du lịch để du lịch ngày càng khẳng định tại mỗi địa phương, trong toàn vùng và khu vực.

Kết thúc hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Dương đã ký kết nội dung hợp tác về liên kết du lịch.

VTR