Lễ hội Yên Tử đã qua nhưng dư âm mùa lễ hội vẫn còn. Ý kiến khen, chê đều có cả, thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, mùa lễ hội Yên Tử năm 2014 được hầu hết du khách đánh giá cao từ công tác tổ chức đến khâu quản lý, đầu tư dịch vụ và phát huy giá trị vốn có của miền đất Phật.
Chị Asatsumo Kozue, một du khách Nhật Bản chia sẻ: “Người Nhật Bản thường rất khắt khe trong việc sử dụng các dịch vụ, bởi thế nên ở Nhật Bản, công tác quản lý các điểm du lịch, lễ hội được kiểm soát rất chặt chẽ để không làm mất hình ảnh điểm đến đối với người dân và du khách. Công tác ở Hà Nội 20 năm và đã nhiều lần hành hương về Yên Tử, những năm trước tôi thật sự chưa hài lòng khi sử dụng các dịch vụ kinh doanh ở đây, nhất là về văn hoá phục vụ, “bắt chẹt” du khách… điều này không chỉ ảnh hưởng đến chốn linh thiêng mà còn làm xấu điểm đến đối với du khách. Thế nhưng, bây giờ đến Yên Tử tôi đã hài lòng hơn rất nhiều từ cách quản lý đến sự đầu tư phục vụ du khách và các chương trình tổ chức đều rất tốt”.
Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: “Đó là kết quả sự vào cuộc của các cấp, ngành nhằm tăng cường môi trường kinh doanh du lịch, phát huy giá trị văn hoá di tích vốn có của Yên Tử để mùa lễ hội năm 2014 thực sự để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách”.
Đúng như ông Hải nói, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy nhiều điểm mới trong mùa lễ hội năm nay là tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại Khu di tích Yên Tử đã được dẹp bỏ; đường dây nóng của Thường trực Ban tổ chức Hội Xuân và đường dây nóng của Công an thành phố được dán khắp nơi để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của du khách. Nhằm đảm bảo khu di tích sạch đẹp, Ban Quản lý đã chỉnh trang lại toàn bộ cảnh quan, bổ sung hệ thống bảng biển tuyên truyền, biển nội quy, biển chỉ dẫn. Đáng nói là các nhà hàng ô quán dọc tuyến đường hành hương đi bộ từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng đã được tháo dỡ, di dời và hoàn trả nguyên trạng mặt bằng.
Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (đơn vị nắm quyền khai thác các dịch vụ tại Yên Tử) đã đầu tư xây dựng được 6 điểm dừng chân từ chùa Giải Oan lên chùa Bảo Sái đảm bảo cảnh quan; xây dựng kế hoạch triển khai thu gom xử lý rác trên toàn tuyến Yên Tử, đầu tư mua mới 500 sọt đựng rác, 100 thùng nhựa, hợp đồng trên 100 công nhân vệ sinh môi trường. Đồng thời Ban Quản lý đã bố trí sắp xếp các điểm dịch vụ tại các nhà ga đảm bảo trật tự, văn minh; sắp xếp và cấp thẻ cho đội ngũ dịch vụ chụp ảnh tại Yên Tử; phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm và Hiệp hội kinh doanh Yên Tử tổ chức tập huấn, tuyên truyền trang bị kiến thức văn minh lễ hội, văn hoá kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Đáng mừng là 100% các hộ kinh doanh đều ký cam kết và hầu hết các hộ thực hiện tốt các quy định chung trong kinh doanh dịch vụ và nếp sống văn minh lễ hội. Để tránh tình trạng “bắt chẹt” giá các du khách, năm nay các hàng quán đều được niêm yết giá bán và được giám sát chặt chẽ; các quầy hàng đều được gắn biển hiệu đánh số ghi tên chủ hộ và số điện thoại nóng được dán khắp nơi để bất kỳ du khách nào cũng có thể phản ánh những tình trạng mất an ninh trật tự, hành vi lừa đảo với cơ quan chức năng. Mùa lễ hội năm nay tình trạng bán hàng rong, mua bán ép giá hoặc bán hàng lấn chiếm vỉa hè, các mặt hàng không rõ nguồn gốc… đã được dẹp bỏ.
Khâu tổ chức phục vụ du khách năm nay cũng được thực hiện chu đáo, tiện lợi nhất, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT trên suốt chặng đường 20km từ ngã ba Dốc Đỏ (QL18A) đến tận đường hành hương lên tới chùa Đồng, hết kỳ hội không để xảy ra sự vụ xấu nào. Ban Quản lý di tích cùng Công ty CP Phát triển Tùng Lâm còn tổ chức trông giữ phương tiện miễn phí cho khách tại chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực và chùa Lân; đưa nghiệp đoàn xe ôm xã Thượng Yên Công vào phục vụ du khách văn minh, lịch sự; bố trí điểm đỗ taxi, xe ôm thuận tiện phục vụ du khách. Giá các dịch vụ gửi xe đều đúng quy định của Nhà nước, không có tình trạng giá “từ trên trời rơi xuống” như ở nhiều điểm du lịch khác. Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm dàn xe điện để phục vụ đón khách ngay từ bãi giữ xe đến sân ga cáp treo chùa Giải Oan.
Ở khu vực các nhà hàng và các khu vực tập trung đông người, Ban Quản lý cũng tổ chức phun 10.000m2 thuốc tiêu độc khử trùng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh; bố trí lực lượng thường trực sơ cấp cứu tại khu vực nhà ga 1 cáp treo, chùa Hoa Yên, Quảng trường tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; lắp đặt 5 bộ đo nhiệt độ và độ ẩm đặt tại các khu vực chùa Đồng, An Kỳ Sinh, Hoa Yên, Bến xe Giải Oan, Nhà khách Giải Oan để thường xuyên cập nhật nhiệt độ tại các điểm thông báo trên hệ thống phát thanh cảnh báo, nhắc nhở du khách giữ ấm cơ thể, tiên lượng thời tiết và sức khoẻ để hành hương lên chùa Đồng.
Ông Hải cũng cho biết thêm, bên cạnh những hoạt động truyền thống thì Hội Xuân Yên Tử năm nay còn tổ chức thêm nhiều chương trình như: Doanh nhân, phật tử ưu tú về với non thiêng Yên Tử, trưng bày cây cảnh nghệ thuật chào mừng Hội Xuân Yên Tử với 700 tác phẩm; giải vô địch cờ tướng Hội Xuân… là những nét mới góp phần thu hút thêm nhiều du khách tới thưởng thức, tham quan.
Với các giải pháp tích cực trong công tác tổ chức lễ hội, quản lý và đầu tư các dịch vụ ở di tích Yên Tử của các cấp, ngành, TP Uông Bí và đặc biệt là Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thì từ đầu năm đến nay, Yên Tử đã thu hút được trên 1,47 triệu lượt du khách; đồng thời để lại những dư âm tốt trong lòng du khách, tạo dựng cho di tích lịch sử văn hoá tâm linh của cả nước ngày càng trở nên đẹp hơn, thiêng liêng hơn.