Du lịch biển: Lợi thế cạnh tranh
Cập nhật: 12/06/2014
Chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và hơn 50% tổng lượng khách du lịch nội địa đi lại trên toàn quốc, khách du lịch đến khu vực ven biển đang là một lợi thế lớn cho du lịch Việt.


Du lịch biển Việt Nam càng khẳng định được sức hấp dẫn

Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết: Trong những năm qua, du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu du lịch của cả nước. Du lịch biển thật sự là một trong những thế mạnh trời phú của Việt Nam. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng liên tục và hiện chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa đến khu vực này cũng chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc…

Việc phát triển du lịch biển mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho đất nước và các địa phương ven biển. Nhiều địa phương ven biển từ chỗ hầu như không có năng lực đón tiếp (như Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…) nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch biển đã và đang có sức bật nhanh chóng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, lượng khách du lịch đến với Bình Thuận qua các năm có sự tăng trưởng ổn định. Tính riêng trong năm 2013 Bình Thuận đón và phục vụ 3.500.000 lượt khách, tăng 12,1% so với năm 2012, doanh thu từ du lịch đạt hơn 5.470 tỷ đồng. Bình Thuận đang là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, trong đó Mũi Né đã được Tạp chí Lonely Planet hay trang web du lịch Skyscanner bình chọn là bãi biển hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Lượng khách du lịch tăng cao giúp Bình Thuận ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư du lịch, dịch vụ. Tính đến nay, đã có 445 dự án đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch đổ vào Bình Thuận, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 63.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: lưu trú du lịch, sân golf, cung cấp dịch vụ thể thao trên biển….  Hệ thống hơn 120 resort nghỉ dưỡng cao cấp, cùng những kiến trúc tuyệt vời được phân bổ dọc bờ biển Bình Thuận thực sự là điểm đến hấp dẫn của nhiều thị trường khách du lịch quốc tế như Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…

Ngoài Bình Thuận thì Vịnh Hạ Long, Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… cũng là những điểm đến hết sức hấp dẫn, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch biển của Việt Nam ra với với khu vực và quốc tế.

Theo bà Đỗ Cẩm Thơ: Điểm mạnh nhất của du lịch biển Việt Nam là phong cảnh đẹp và tính nguyên sơ. Các bãi biển tại miền Trung của Việt Nam và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc và Côn Đảo với phong cảnh thiên nhiên đẹp và các bãi biển đầy cát trắng sẽ tạo nên tính nổi trội cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng giải trí biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, do sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam mới đang trong giai đoạn hình thành nên chu kỳ sống của sản phẩm sẽ khá dài. “Mức độ hấp dẫn thu hút đầu tư thời gian gần đây của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung vào khu vực ven biển càng khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng về cạnh tranh quốc tế của du lịch biển Việt Nam”, bà Thơ nhấn mạnh./.

Du lịch biển là một trong những hướng ưu tiên phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực là: Hạ Long - Cát Bà, Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó, các khu du lịch biển giàu tiềm năng khác cũng được đầu tư phát triển như Vân Đồn - Cô Tô…

ven.vn