Hạ Long cần đổi mới sản phẩm du lịch
Cập nhật: 17/06/2014
Là một điểm đến quan trọng nhất, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế hàng đầu của Việt Nam nhưng vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) lại chưa có sản phẩm du lịch rõ nét, đặc trưng, đa dạng. 
 

Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng phương án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng chài trên vịnh Hạ Long và xây dựng các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long” đến năm 2020. 

Đã 20 năm từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nhưng theo đánh giá của Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), các sản phẩm du lịch ở đây chưa rõ nét, chưa đa dạng, một số sản phẩm đã bước đầu hình thành và phát triển nhưng mới chỉ là các dịch vụ du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, thời gian qua, khu vực vịnh Bái Tử Long hầu như chưa phát triển du lịch, phần lớn là các dịch vụ tự phát, gần đây (bắt đầu từ 1/1/2014) mới áp dụng thu phí trên vịnh Bái Tử Long.

Với vịnh Hạ Long, tuy đã đạt được sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa nhưng chi tiêu của khách vẫn thấp và thời gian lưu trú không tăng. Sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức hoạt động du lịch hầu như không thay đổi so với gần 20 năm trước trừ việc tàu du lịch tốt hơn, có thêm cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu. Khách đến Hạ Long chỉ loanh quanh tắm biển, đi tàu thăm vịnh, thăm hang động. Thường xuyên gặp cảnh chèo kéo mua hàng trên bờ, trên vịnh. Khách sạn chủ yếu là cao tầng, không có khuôn viên.

Hàng lưu niệm lặt vặt, không đặc trưng và chủ yếu hàng Trung Quốc. Hải sản, đồ ăn bị đánh giá là rất đắt so với các điểm du lịch khác. Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn và dịch vụ du lịch chất lượng cao chưa nhiều. Tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch ở Hạ Long rất rõ rệt, chưa được cải thiện, thích ứng.

Chính vì vậy, Ban Quản lý vịnh Hạ Long hiện đang hoàn tất phương án xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch trên vịnh, bao gồm sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên (tham quan vịnh, hang động, đảo đá, tùng áng, lặn biển, leo núi, chèo thuyền…) và sản phẩm du lịch dựa vào văn hoá (tham quan, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ, khám phá lịch sử, văn hoá bản địa...). 4 làng chài: Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn và Vông Viêng cũng có phương án bảo tồn, phát huy giá trị tự nhiên, văn hoá cụ thể để phát triển du lịch; đưa làng mới tại khu tái định cư Cái Xà Cong (phường Hà Phong- Hạ Long) trở thành một điểm du lịch.

Khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, khu vực công viên Vạn Cảnh, khu vực công viên hang động, khu vực thung lũng biển, khu vực công viên giải trí biển và khu vực vịnh Bái Tử Long được lựa chọn phát triển sản phẩm du lịch theo khu vực. Riêng đối với khu vực vịnh Bái Tử Long chia ra nhiều khu vực du lịch như: Khu vực thương cảng cổ Vân Đồn; khu vực xã Minh Châu, Quan Lạn; khu vực áng Lô Gon; khu vực đảo Trà Bản, Đống Chén, Vạn Cảnh, Cống Nứa, Cống Đông và khu vực đảo Ngọc Vừng.

Các phương án này được xây dựng trên cơ sở tiềm năng sẵn có của các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn trên vịnh; đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn với phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư, phát triển mở rộng loại hình du lịch văn hoá, sinh thái; trong đó đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể tại các làng chài trên vịnh… Tỉnh cũng sẽ kêu gọi, lập dự án đầu tư đối với các điểm du lịch, điểm nghỉ đêm, các dịch vụ mới.

Dự án này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I (2014 - 2015) đầu tư, sắp xếp lại các nhà bè, lựa chọn doanh nghiệp để duy trì các hoạt động dịch vụ du lịch tại các làng chài; kêu gọi đầu tư và lựa chọn một số dự án đầu tư để triển khai thực hiện phương án. Giai đoạn II (2017 - 2020) quản lý, khai thác dự án phục vụ nhu cầu của khách du lịch. 

Báo Văn hóa