Những di sản văn hóa Huế với các giá trị đặc trưng đã góp phần khơi dậy niềm đam mê khám phá của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lợi thế đó chưa thật phát huy đúng tầm như kỳ vọng và là vấn đề cần được tháo gỡ, không chỉ riêng Huế mà còn cho cả nước.
Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng
Nằm ở trung tâm của miền trung, trên hành lang kết nối đông - tây thông qua quốc lộ 9 - Đông Hà và nam - bắc qua quốc lộ 1, thành phố Huế có một lợi thế rất lớn để liên kết du lịch với các vùng miền trong nước và ngoài nước. Những di sản được đánh giá là đẹp nhất châu Á đã và đang hấp dẫn du khách khi doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Sự huyền diệu của kinh đô xưa đã tạo cho Huế một không gian văn hóa đặc trưng hòa quyện trong một quần thể tâm linh Phật giáo. Bên cạnh đó, hệ thống làng nghề cổ cũng là một "dấu cộng" mà ngành du lịch Huế có thể tận dụng khi phục hồi các "trung tâm" nghề thủ công truyền thống như: làng gốm cổ Phước Tích, đúc đồng tại Phường Đúc, làng rèn Hiền Lương, đan lát mây tre làng Bao La, hoa giấy Thanh Tiên, vẽ tranh làng Sình... Thêm vào đó, du lịch danh nhân còn được biết đến như một hướng phát triển tiềm năng khác với những di sản lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mười năm thời niên thiếu; Khu di tích tại dốc Bến Ngự về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu... Tất cả các yếu tố trên đều đem lại một nền tảng có lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch di sản văn hóa Huế, tạo ra một thương hiệu quốc tế đặc sắc, nổi bật mang tính hội nhập cao.
Mặc dù những lợi thế đó đã và đang được bảo tồn và khai thác đáng kể trong suốt gần hai thập kỷ phát triển du lịch, nhưng Huế vẫn còn vấp phải những khó khăn, hạn chế. Du lịch Thừa Thiên - Huế đã chững lại trong những năm qua: năm 2010, số lượt khách du lịch là 1,5 triệu người, tăng 11,4% so với 2009; năm 2012 là 2,5 triệu lượt khách, tăng 22% so với năm 2011. Năm 2013, lượng du khách chỉ đạt 2,599 triệu người, tương đương năm trước.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia du lịch, Huế vẫn còn thiếu một tầm nhìn chiến lược trong phát triển du lịch văn hóa; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý với các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra các giải pháp nâng tầm giá trị di sản, quy hoạch và đầu tư các thiết chế văn hóa tầm cỡ. Bên cạnh đó còn có phần thiếu chuyên nghiệp trong cách làm du lịch, chưa huy động sự tham gia của cộng đồng.
"Thổi hồn" vào di sản
Theo PGS, TS Đỗ Bang cho biết: "Muốn phát triển du lịch phải biết tổ chức liên kết. Di sản văn hóa muốn trở thành sản phẩm du lịch cần đầu tư nghiên cứu có chiều sâu để tìm ra bản sắc của mỗi loại hình, kết hợp với nhu cầu của thị trường mới tạo ra được sản phẩm độc đáo". Du lịch di sản không chỉ có yếu tố tổ chức và chức năng nghiên cứu mà cần có chính sách, chủ trương phù hợp, đồng bộ. Yếu tố thân thiện giữa con người với con người, con người với di sản và môi trường cũng không thể là thứ yếu, trong đó, vai trò của người dân hết sức quan trọng. Cần kết hợp giữa sự định hướng, đầu tư của Nhà nước với sự tham gia của người dân, cũng như đánh giá công bằng quyền lợi để người dân trở thành nhân tố du lịch đặc biệt bên cạnh sức hấp dẫn của kho tàng di sản văn hóa vô giá.
Tuy nhiên, một lợi thế lớn và cũng là khó khăn mà Huế đang gặp phải lại chính là... hệ thống di tích lịch sử đồ sộ khó nơi nào có được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho biết, với những cụm di tích cung điện, chùa chiền, thành quách, miếu mạo lâu đời ở Huế, nếu không có hình thức khai thác sinh động, du khách đến thăm vài nơi dễ có cảm giác đơn điệu, nhàm chán.
Nhưng, làm thế nào để "thổi hồn" cho di tích, để nó trở nên hấp dẫn và lôi cuốn? Không chỉ coi trọng công tác bảo tồn, phục hồi mà phải tìm ra những giải pháp đồng bộ, trong đó nhìn nhận quần thể di tích mang tính hệ thống bao gồm cả các giá trị kiến trúc, văn hóa và giá trị cuộc sống, từ đó tạo nên một bức tranh lịch sử sống động.
Du khách chắc sẽ rất thích thú nếu được chiêm ngưỡng cảnh tái hiện đời sống văn hóa của tầng lớp quý tộc nhà Nguyễn ngay tại những khu sinh hoạt độc đáo như trường xem Hổ Quyền hay điện Voi Ré. Những thú tiêu khiển, phong cách và ngôn ngữ ứng xử, phong vị trong ẩm thực, dụng cụ nghi lễ, sinh hoạt... của tầng lớp quý tộc Huế trước đây, dù là phục dựng, vẫn sẽ như luồng gió mới thổi vào di tích, tạo dựng những sản phẩm du lịch thật sự mang thương hiệu Cố đô.
Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được thế mạnh của du lịch di sản. Nhưng để xứ Huế thơ mộng, thật sự trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, cần sớm có những giải pháp đồng bộ, mang tính khoa học, thực tế và chuyên nghiệp.