Du lịch miền Trung: Tìm cách phá thế “mùa vụ”
Cập nhật: 19/06/2014
Nếu không tự làm mới mình theo hướng bền vững, ngành Du lịch Huế-Hội An-Đà Nẵng sẽ dễ bị suy thoái sau thời gian dài phát triển “nóng” nhưng lại mang đậm tính “thời vụ” như hiện nay.


Du khách nước ngoài trải nghiệm đời sống tại làng quê Việt Nam theo loại hình du lịch homestay

Ngày 18/6, Hội thảo “Hỗ trợ quản lý điểm đến tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung” do Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” Liên minh châu Âu tài trợ được 3 Sở VHTTDL Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng.

Hơn 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu của ba tỉnh cùng trao đổi, nhìn nhận, đánh giá và tìm ra phương thức mới giúp du lịch của 3 địa phương vừa có sự liên kết, vừa phát triển theo hướng bền vững hơn.

Du lịch đã và đang phát triển một cách nhanh chóng tại khu vực miền Trung trong thập kỉ vừa qua, kéo theo nhiều tác động về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong thập kỉ tới, những tác động này thậm chí sẽ còn lớn hơn, do đó, các địa phương cần tiến hành hoạch định và quản lý quá trình biến đổi này một cách có trách nhiệm.

Ông Robert Travers, chuyên gia quốc tế của Dự án EU sau 1 tháng đi thực tế các điểm du lịch, vui chơi, hệ thống lữ hành, khách sạn tại 3 địa phương này, cho biết, mặc dù là những địa phương phát triển du lịch có định hướng tốt, nhưng ngoài Đà Nẵng, sức hấp dẫn của du lịch Hội An và Huế đang “già hóa”.

Hiện thời gian lưu trú của du khách tại các địa phương này không cao. Trung bình, du khách chỉ lưu lại Huế khoảng 2,2-2,3 ngày; ở Đà Nẵng 3,7-4 ngày; Hội An có sức hút với khách quốc tế (4,2 ngày) nhưng không hấp dẫn với khách nội địa (1,7 ngày).

Điều này cho thấy, sức hấp dẫn, khả năng thu hút du khách đến với các địa phương này chưa có sự định hướng chiến lược. Nếu không có sự đột phá làm mới mình, ngành du lịch 3 địa phương sẽ có xu hướng chững lại và suy thoái. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư thời vụ, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn sẽ dễ dẫn ngành Du lịch rơi vào trạng thái thừa số lượng nhưng thiếu những sản phẩm du lịch chất lượng.

Điển hình như tình trạng khách sạn mọc lên phục vụ nhu cầu lưu trú mùa hè của du khách. Hiện toàn TP. Đà Nẵng có khoảng 13.968 khách sạn lớn nhỏ với khoảng 5 triệu phòng, nhưng chỉ lấp đầy được 50% số lượng phòng. Dự kiến, đến 2020, Thành phố sẽ tăng thêm khoảng 5.400 khách sạn với 2 triệu phòng. Nếu không mở rộng các điểm du lịch hấp dẫn để tăng lượng du khách, ngành du lịch Đà Nẵng phải đang đối mặt với khủng hoảng thừa khách sạn.

Thực trạng rời rạc trong hợp tác liên kết vùng, chưa có sản phẩm đặc thù đủ mạnh, chưa có đầu tư đúng mức, đa dạng về chất lượng dịch vụ, nhân lực quản lý… cũng là những vấn đề nóng rất cần được hỗ trợ giải quyết.

Để giúp ngành du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, các đại biểu trong Hội thảo đã cùng trao đổi về nhiều định hướng mới.

Trong đó, tăng cường quản lý điểm đến, yếu tố mang tính điều phối tất cả các thành tố liên quan đến sự phát triển và liên kết của du lịch ở 3 địa phương. Đây là một khái niệm tương đối mới trong ngành Du lịch Việt Nam. Tăng cường quản lý điểm đến sẽ chú trọng đến cơ chế quản lý (môi trường, kinh tế, tài chính, xã hội), đặc biệt là môi trường sống của cư dân, tạo ra ưu thế hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch thế giới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những gợi ý định hướng trong quản lý điểm đến như: phát triển sản phẩm và tiếp thị; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; chiến lược phát triển phù hợp với tốc độ tăng trưởng du lịch…

Chinhphu.vn